Căn cứ vào hình ảnh của Tàu 20 khi xuất hiện trong lễ duyệt binh hải quân quốc tế tại Jeju, Hàn Quốc thì dàn vũ khí của nó vẫn còn nguyên vẹn với 2 pháo Oto Melara Compact cỡ 76,2 mm cùng 2 pháo phòng không Otobreda 40 mm bố trí trước — sau, đi kèm với 2 cụm bệ phóng Mk 32 của ngư lôi chống ngầm cỡ 324 mm.
Mặc dù Hàn Quốc giới thiệu Tàu 20 thuộc dạng hộ vệ đa năng, nhưng dễ nhận thấy ngoài năng lực chống ngầm ở mức khá thì chống hạm và đặc biệt là phòng không còn tồn tại nhiều lỗ hổng lớn khi chưa được lắp tên lửa.
Khi về Việt Nam, trong tình hình hiện tại thì chúng ta rất cần có thêm nhiều chiến hạm đa năng, đảm nhiệm tốt cả chức năng phòng không, chống hạm lẫn chống ngầm, kết hợp với lượng giãn nước của Pohang là khá lớn cho nên việc bổ sung tính năng cho nó là rất cần thiết.
Hiện tại Việt Nam đã tự sản xuất được đạn 30 mm của pháo bắn nhanh AK-630 trong khi nguồn đạn 40 mm cho pháo Otobreda vẫn chưa được xác định, cho nên một phương án có thể tính tới đó là chúng ta sẽ thay thế tổ hợp CIWS này vào vị trí của 2 khẩu Otobreda trên, đi kèm với đó sẽ là radar điều khiển hỏa lực MR-123 Vympel lắp đặt trên nóc cabin để dẫn bắn.
Phương án tiếp theo và có vẻ tốt hơn đó là thay thế hoàn toàn cụm pháo Otobreda bằng module tên lửa — pháo phòng không Palma do kích thước của chúng khá tương đồng với nhau.
Ngoài việc có thêm 8 tên lửa 9M311 Sosna-R, module Palma có khả năng tác chiến độc lập, vì vậy khoảng không gian trên buồng chỉ huy sẽ được tận dụng cho một khí tài khác.
Để dẫn bắn cho tên lửa Uran-E thì sẽ yêu cầu phải lắp thêm radar điều khiển hỏa lực Garpun-Bal, khí tài này hoàn toàn có thể đưa lên nóc cabin chỉ huy giờ đây vẫn đang được để trống.
Với phương án nâng cấp trên, Tàu 20 có thể nói đã "lột xác" và trở thành một khinh hạm đa năng với sức mạnh gần tương đương Gepard 3.9, đây sẽ là sự bổ sung rất đáng giá cho đội tàu mặt nước của Hải quân nhân dân Việt Nam.