Yang Huiyan, người đứng trong top 5 những phụ nữ thành công nhất trên thế giới năm nay mới 37 tuổi, nhưng cô đang giữ chức lãnh đạo công ty phát triển lớn nhất Trung Quốc, Country Garden, với tài sản cá nhân trị giá 22,4 tỷ đô la. Đồng nghiệp của cô cũng nằm trong danh sách này là Wu Yajun, lớn tuổi hơn một chút. Cô cũng điều hành một công ty phát triển có tên là Longfor Properties. Công việc đang tiến triển khá tốt: trong năm qua, tài sản của cô đã tăng 11%, tới con số 8,73 tỷ USD. Chỉ có duy nhất một trong 5 phụ nữ thành công nhất trên thế giới là người Mỹ, cô Diana Hendrix từ ABC Supply.
Phụ nữ Trung Quốc ngày càng tham gia tích cực hơn vào hoạt động kinh doanh, với tốc độ cao hơn so với thế giới. Theo dữ liệu của Global Entrepreneurship Monitor, năm ngoái tỷ lệ nữ giới và nam giới trong hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc là 0,87, trong khi chỉ số này trên thế giới không vượt quá 0,7. Truyền thống phát triển hoạt động kinh doanh của phụ nữ Trung Quốc dựa trên nền tảng văn hóa và xã hội khá sâu sắc, đây là quan điểm mà nhà sáng lập Bệnh viện "Tâm lý cùng nhau", chuyên gia phân tích tâm lý Xu Xueping chia sẻ với Sputnik.
«Thành công của phụ nữ Trung Quốc gắn liền với các yếu tố như văn hóa Trung Quốc, môi trường xã hội và chính trị. Trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, đã có một thời gian dài người ta chỉ dành sự yêu quý đối với các bé trai, trong khi các bé gái không được ưu ái như vậy. Một trăm năm trước, phụ nữ không thể đi học, xã hội không cho phép phụ nữ có được bằng cấp và kiếm việc làm. Nguyện vọng của phụ nữ muốn nghiên cứu và làm việc luôn bị đàn áp. Kể từ năm 1949, sau khi thành lập quốc gia Trung Quốc mới, cơ hội của phụ nữ và nam giới trong vấn đề nhận bằng cấp bắt đầu cân bằng ở cấp nhà nước. Vì vậy, những người phụ nữ Trung Quốc vốn bị đàn áp hàng ngàn năm bắt đầu có cơ hội thể hiện mình. Ngoài ra, ở cấp độ gia đình, đặc biệt là ở các làng quê vẫn còn khá kiên cố truyền thống trọng nam khinh nữ, bất chấp những tuyên truyền tích cực về nguyên tắc bình đẳng. Và tình huống này thúc đẩy các cô bé làm việc chăm chỉ hơn để cuối cùng cũng đạt được tình yêu và sự công nhận.
«Bản thân tôi thuộc thế hệ đổi mới và cởi mở. Tôi sinh ra vào đúng vào thời điểm khi chính sách này bắt đầu được thực hiện. Theo hiểu biết của tôi, mấu chốt của chính sách này là đưa tới sự tăng trưởng lớn số lượng việc làm và cơ hội. Tất nhiên, 20 năm trước, nếu một người muốn kiếm tiền, anh ta cần rất kiên trì và bền bỉ mới đạt được kết quả, mà cơ hội phát triển dù sao vẫn còn rất hạn chế. Nhưng mười năm trở lại đây điều quan trọng là người đó muốn làm việc. Còn cơ hội thì vô vàn. Chính sách đổi mới và mở cửa không chỉ là thời kỳ thăng hoa của nền kinh tế Trung Quốc. Đó còn là cơ hội, niềm tin cho những người dân bình thường về khả năng của mình. Đó là một thời kỳ rất tốt đẹp».
Và còn một điểm nữa: phụ nữ Trung Quốc dễ dàng thể hiện mình hơn trong điều kiện nền kinh tế hiện đại, nền kinh tế số hóa. Nếu trước đó họ phải vượt qua chặng đường dài để tiến lên bậc thang sự nghiệp trong một công ty nhà nước nào đó thì giờ đây họ có thể dễ dàng xin vào làm việc cho một công ty tư nhân hoặc lãnh đạo một khởi nghiệp công nghệ nào đó. Trong lĩnh vực này không có các định kiến về giới tính, chỉ cần bạn thể hiện sự sáng tạo của mình. Mà tính sáng tạo của người Trung Quốc thì có thừa. Trong vòng 5 năm ở Trung Quốc xuất hiện 46 dự án khởi nghiệp với số vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la, chiếm 80% tổng số các công ty kỳ lân trên toàn châu Á.