Theo báo cáo kinh tế — xã hội năm 2018 của Chính phủ, có 8/12 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Với kết quả đạt được của năm bản lề 2018, tình hình đất nước trong 3 năm 2016 — 2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nền kinh tế đất nước đang khả quan, thuận lợi và hướng tới sự phát triển bền vững. Bên lề Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội đánh giá về tình hình kinh tế — xã hội năm 2018.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất kể từ năm 2008
Tôi cho rằng, tình hình kinh tế trong năm 2018 rất khả quan. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng trong 9 tháng qua đạt 6,98% và đây là mức cao nhất kể từ năm 2008, tức là kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Từ đó, chúng ta có thể thực hiện nhiệm vụ đề ra trong năm 2018 và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế — xã hội với mức tăng trưởng trên 6,7%.
Bên cạnh đó, đảm bảo cân đối trong nền kinh tế như: thu và chi ngân sách, xuất khẩu và nhập khẩu, tích lũy và tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư… Nhờ vậy, đảm bảo thặng dư và cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân quốc tế, gia tăng được lượng dự trữ ngoại hối và làm tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trước những "cú sốc" trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Thực tế cho thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ — Trung đã tác động rất nhiều đến thị trường tiền tệ quốc tế, làm cho các đồng tiền biến động mạnh theo xu hướng giảm giá so với đồng USD và đã có những đồng tiền quốc tế giảm giá từ 10 — 20%.
Mặc dù Việt Nam cũng chịu tác động từ cuộc chiến này, nhưng vẫn trong vòng kiểm soát của Ngân hàng nhà nước. Việt Nam vẫn kiểm soát tỷ giá biến động ở mức khoảng 3% từ đầu năm đến nay. Đây là mức đảm bảo cho người giữ tiền đồng Việt Nam có lợi.
Đó là những thay đổi lớn trong thời gian qua và giúp tăng năng suất lao động (mức tăng bình quân hiện nay là 5,6% so với giai đoạn 2011 — 2015 chỉ là 4,3%). Đây là điểm sáng trong phát triển kinh tế — xã hội trong thời gian qua.
Để đạt được các mục tiêu Chính phủ đề ra, tôi cho rằng đây là quá trình để chúng ta đúc kết và rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và từ đó mới phát triển một cách bền vững.
Tôi cho rằng, 3 tháng còn lại của năm 2018, tình hình kinh tế không có nhiều biến động lớn và theo xu hướng cải thiện một cách tích cực, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã làm được nhiều việc như: cải cách thể chế, rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật, giảm thiểu những thủ tục hành chính phiền hà, gây bất lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Thêm vào đó là sự quyết liệt trong chỉ đao, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đến các thành viên Chính phủ.
Về tài chính, thu ngân sách trong 3 năm qua liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước và cơ cấu thu cũng có bước chuyển dịch. Tỷ trọng thu nội địa cũng cao hơn và cơ cấu thu từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với chế biến, khai khoáng trước đây.
Trong các khoản chi thì cơ cấu chi thường xuyên và chi đầu tư được quan tâm, chú trọng. Rõ ràng, từ đầu nhiệm kỳ thì chi thường xuyên dao động trên mức 64%, nay đã giảm xuống còn 62%. Tốc độ chi đang giảm dần trên cơ sở chúng ta phải giải quyết rất nhiều bài toán về chi như: tinh giản biên chế, định mức chi…, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên….
Tôi cũng rất ấn tượng với việc cải cách thủ tục tài chính trong ngành tài chính. Bởi tài chính là ngành gồm rất nhiều lĩnh vực như: thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán… do đây là một lĩnh vực lớn nên tác động lớn tới toàn xã hội. Bộ trưởng ngành Tài chính đã rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện từ cắt giảm thủ tục hành chính đến thực hiện các giao dịch điện tử, tinh gọn tổ chức bộ máy…, góp phần quan trọng đạt được những mục tiêu trên.
Hệ thống ngân hàng cũng rất tích cực trong việc đổi mới cải cách thể chế. Cụ thể đã trình Quốc hội thông qua Luật các tổ chức tín dụng, Nghị quyết số 42/2017/QH về xử lý nợ xấu.
Đây là một chính sách kịp thời, giải quyết được nhiều vấn đề "nóng" vốn tồn tại lâu nay. Qua đó, hệ thống ngân hàng đã cơ bản cơ cấu được vấn đề nợ xấu để lấy lại nguồn vốn đang tồn đọng cho đầu tư phát triển.