Rời làng quê nghèo Ninh Bình, cô gái đôi mươi một thân một mình vào Sài Gòn lập nghiệp. Khởi đầu với hai bàn tay trắng, cô xin làm phục vụ cho các nhà hàng. Chịu thương chịu khó, lại có đam mê ẩm thực, cô được cất nhắc lên làm phụ bếp. Ước mơ được mở một nhà hàng của riêng mình, nhưng thân phận làm thuê biết đời nào mới khá. Nhân duyên cho chị gặp một người chồng ngoại quốc. Anh đã làm tất cả để có thể giúp ước mơ của chị thành hiện thực. 15 năm sau, một nhà hàng bề thế ở quận 3 ra đời.
Đấy lẽ ra phải là một câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng. Nhưng bây giờ khi nhắc đến người phụ nữ ấy, bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi), người ta sẽ chỉ nhớ về chiếc BMW nát đầu ở Hàng Xanh, những chiếc xe máy không ra hình thù gì, một chiếc Vinasun móp hết bên hông và gương mặt thất thần.
Đâu chỉ chúng ta, chính bà Nga cũng sẽ không bao giờ quên được cái đêm kinh hoàng bị ma men dẫn lối ấy, khi vụ tai nạn gây ra cái chết của một người xa lạ và khiến bảy người khác mang những vết sẹo trên cơ thể.
Khi đã say, người ta chẳng còn biết sợ
Thời sinh viên còn nhậu lết xết bết ở miền Tây, tôi nghe kể về một anh bợm nhậu. Cứ mỗi lần nhậu ở nhà bạn về, anh ta lại lái xe đâm thẳng xuống ruộng. Rồi đến một ngày rút kinh nghiệm, giữa cuộc nhậu anh trở đầu xe lại, để khi xỉn thì lái thẳng về nhà. Không ngờ kết thúc cuộc nhậu, anh quên mình đã trở đầu xe rồi, bèn làm việc ấy lần nữa và lại lao thẳng xuống ruộng. Tôi hỏi bạn anh đó bây giờ thế nào, bạn nói đã giỗ được ba năm. Lúc này, chuyện chẳng còn buồn cười nữa.
Năm 2016, thống kê ở Việt Nam cho thấy 41,8% tai nạn giao thông liên quan bia rượu. 11% số người chết trong năm ấy liên quan tới rượu bia. Khi một người tự lái xe trở về sau cuộc nhậu, anh ta vừa trở thành một tử thần tiềm năng lẫn một tử thi tiềm năng.
Khi tỉnh táo, dân nhậu đọc hết và hiểu hết những nguy cơ ấy. Vấn đề là khi đã say, người ta chẳng còn biết sợ. Những người đàn ông mang đầy nỗi buồn và thương tổn ấy khi đã ngồi xuống bàn nhậu thì chẳng còn gì khiến họ băn khoăn nữa. Họ chẳng còn sợ vợ, chẳng còn sợ tình yêu bị từ khước, chẳng còn sợ ngày mai mất việc. Dục phá thành sầu duy hữu tửu (Chỉ có rượu mới làm tan nỗi buồn) mà.
Không có ai làm đại diện tốt hơn cho chủ nghĩa hiện sinh như dân nhậu. Vì họ dồn hết tâm trí vào cuộc nhậu, họ tranh luận về triết học và chính trị, lịch sử và quân sự, tình yêu và phụ nữ. Họ đo bản lĩnh qua từng ly bia. Hôm nay sinh nhật, nhậu thôi, vui mà. Vừa bị vợ bỏ, nhậu thôi, buồn mà. Hôm nay chán quá, nhậu thôi, thèm mà.
Mỗi cuộc nhậu là một lần đánh cược. Vì nhân tại bàn nhậu, thân bất do kỷ. Ta đâu thể về khi chưa mềm môi, ta ngu sao về khi chưa đến "giờ giới nghiêm", ta càng chẳng thề về khi bạn chưa về. Và một khi tính tiền đi về, ta đứng dậy, lảo đảo bước đến xe. Cuộc đánh bạc với số phận bắt đầu!
Có một nghịch lý lạ kỳ: khi xỉn, người ta rất ít nghĩ đến phương án để xe lại quán. Thậm chí họ còn chủ động đi thật nhanh trước khi… gục hẳn. Không biết bao nhiêu lần, tôi nghe bạn bè nói không biết đã về nhà bằng cách nào. Chỉ thấy sáng sớm đã ở trên giường, quần áo còn chưa kịp cởi. Bản thân chính tôi đã từng thức giấc, thấy giày vẫn trên chân, tay thì cầm… bàn chải đánh răng.
Đừng gây tửu nghiệp
Khi nhìn hiện trường tai nạn ở Hàng Xanh, tôi bỗng rùng mình nhớ lại tất cả những lần "xỉn không biết gì" trong quá khứ.
Hóa ra khi vui, ta vô tình tạo nghiệp mà không biết. Nói xấu người khác là khẩu nghiệp, ép người khác uống chính là tửu nghiệp vậy.
Tửu nghiệp ở Singapore: rút luôn giấy phép lái xe ngay cả khi chưa gây hậu quả. Tửu nghiệp Nhật Bản: người cung cấp phương tiện giao thông, cung cấp rượu cho dân nhậu lái xe cũng bị phạt. Tửu nghiệp Thái Lan: tước bằng vĩnh viễn và phạt lao động công ích. Tửu nghiệp Malaysia: không cần tự lái, ngồi chung xe thôi cũng bị phạt, vì tội thấy bạn xỉn mà không cản.
Tại Singapore, mức phạt dành cho người bị kết tội lái xe trong lúc say rượu lên đến 5.000 SGD (3.600 USD (83,9 triệu đồng)) và/hoặc mức phạt tù 6 tháng. Trong năm 2016, có 187 trường hợp nhận án tù vì lái xe dưới ảnh hưởng của rượu bia. Những câu nói vô dụng trước tòa bao gồm: "Tôi nghĩ tôi chỉ uống một ít thôi", "Chỉ một quãng đường ngắn thôi mà" và "Tôi chưa gây ra thiệt hại gì".
Trong khi đó, chính quyền Thái Lan cho những người từng bị kết tội lái xe khi say xỉn hoặc có ảnh hưởng bởi rượu bia đi tham quan nhà xác, nhìn những chiếc quan tài mà ai đó có thể vì họ phải nằm vào, hoặc chính họ nằm đó. Trong dịp đầu năm mới 2018, trong 2 ngày cao điểm của "tuần lễ nguy hiểm" bởi việc di chuyển của người dân, những tài xế từng say xỉn bị đặt trong tình trạng giám sát, phải tham gia lao động công ích hoặc chăm sóc các nạn nhân bị tai nạn trong bệnh viện.
Tại Mỹ, tùy vào từng bang cụ thể, nhưng một vài ly rượu vô thưởng vô phạt trong buổi tiệc gia đình có thể kéo theo một đêm trong nhà giam của sở cảnh sát cho đến khi bạn được bảo lãnh, những phiên tòa sau đó, 45 ngày bị treo bằng lái, khóa học "giáo dục về cồn" kéo dài 16 tuần và một năm bị giám sát. Và hãy nhìn số tiền phải trả: tiền phạt, tiền lấy lại xe bị giữ, tiền án phí, tiền đóng cho khóa học, tiền nhận lại bằng lái…
Bà Nga gây ra tai nạn ở Hàng Xanh (vì chiếc giày cao gót?), anh bạn thân của tôi và chàng Hai Lúa miền Tây đã may mắn trong phần lớn cuộc đời mình, cho đến khi vận rủi ập xuống đầu họ. Bà Nga chắc có lẽ sẽ cạch bia rượu tới già, ông anh tôi sẽ cạch lái xe khi nhậu tới già, còn anh Hai Lúa miền Tây thì chẳng còn cơ hội để lái xe hay uống rượu nữa.
Câu chuyện không lái xe khi uống rượu, chưa bao giờ sống động đến thế. Trong khi chúng ta chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn, vứt đi một chút sĩ diện hão và gọi xe ôm hay taxi.
Để tiệc vui không trở thành những bữa tiệc ly.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tựa đề do tòa soạn đặt lại.