Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, nhà nước ta là:
"Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân", tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" (Ðiều 2) thì việc Tổng Bí thư của Ðảng được Ban Chấp hành Trung ương nhất trí giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước là sự thể hiện và thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức quyền lực của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trước hết, Tổng Bí thư của Ðảng sau khi được Quốc hội bầu giữ cương vị Chủ tịch nước, trở thành người không chỉ từ sự tín nhiệm của các thành viên của Ðảng bầu ra, mà còn trở thành người được sự tín nhiệm của nhân dân cả nước bằng dân chủ đại diện bầu ra. Ðây là yếu tố bảo đảm uy tín, sự chính danh cho người đứng đầu Ðảng, làm tăng sức mạnh của quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước — một đòi hỏi của nguyên tắc pháp quyền, trong tổ chức quyền lực.
Theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước chịu sự giám sát của nhân dân thông qua việc giao quyền cho Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Sau khi được bầu, Chủ tịch nước phải tuyên thệ trước Quốc hội, trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp (khoản 7 Ðiều 70). Chủ tịch nước chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội về việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (khoản 1 Ðiều 70). Chủ tịch nước báo cáo công tác của mình trước Quốc hội và Quốc hội xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước (khoản 2 Ðiều 70). Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước (khoản 8 Ðiều 70). Văn bản của Chủ tịch nước trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội bị Quốc hội bãi bỏ (khoản 10 Ðiều 70).
Ba là, theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn mà với vai trò là Ðảng cầm quyền Tổng Bí thư phải nắm giữ như: Ðề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào Nghị quyết Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ (khoản 2 Ðiều 88); Ðề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao… (khoản 3 Ðiều 88); Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh… (khoản 5 Ðiều 88).
Bốn là, quan hệ quốc tế ngày nay chủ yếu là quan hệ giữa các nhà nước. Thủ lĩnh các đảng chính trị của các nước sau khi thắng cử ở các cuộc bầu cử đều trở thành Tổng thống hay Thủ tướng tùy thuộc vào hình thức chính thể của mỗi nước. Người đứng đầu Ðảng ta vừa là người đứng đầu Nhà nước chẳng những phù hợp với tập quán và thông lệ chính trị của các nước trên thế giới mà điều quan trọng hơn là nâng cao vị thế, sự chính danh và tính pháp quyền của Ðảng và Nhà nước trong quan hệ quốc tế giữa các nhà nước.
Trong nhà nước pháp quyền thực hiện các đòi hỏi và tuân thủ các nội dung của nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức quyền lực thì Tổng Bí thư của Ðảng đồng thời được Quốc hội bầu nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước là một đòi hỏi có tính tất yếu khách quan.