Bình luận về báo cáo này, GS Vladimir Mazyrin, chuyên gia hàng đầu của Nga về nền kinh tế Việt Nam đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận xét rằng, "trong báo cáo có nhiều điều gây ấn tượng mạnh. Theo dự báo, trong giai đoạn 5 năm hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ cao hơn sơ với giai đoạn 5 năm trước: khi đó mức tăng trưởng chưa đạt được 6%, và hiện nay có thể đạt 7%. Ngoại thương đang tăng trưởng ấn tượng: kim ngạch thương mại tăng thêm 40-50 tỷ đô la mỗi năm. Liệu có một quốc gia nào khác có thể tự hào với những con số như vậy? Yếu tố nào dẫn đến bước đột phá mạnh mẽ này? Chúng ta thấy rằng, sự tăng trưởng và tất cả những thay đổi tích cực trong nền kinh tế Việt Nam đã tăng tốc trong 2-3 năm qua.
Điều này phù hợp với chu kỳ kinh doanh ngắn hạn của nền kinh tế Việt Nam, mà tôi đã xác định sau khi phân tích vài thập kỷ phát triển nền kinh tế của nước này, đây là chu kỳ 10-11 năm. Chu kỳ hiện nay đã bắt đầu vào năm 2009, và bây giờ nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn cuối cùng của chu kỳ này — thúc đẩy tăng trưởng. Sau đó chắc chắn sẽ đến giai đoạn suy thoái và trì trệ. Chưa rõ điều này sẽ có liên quan đến những hiện tượng nào trong nền kinh tế thế giới, nhưng, quy luật về chu kỳ là định luật kinh điển về sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Định luật thứ hai là kinh tế quy mô và hiệu suất thay đổi theo quy mô, và luật này cũng được thể hiện rõ ở Việt Nam. Đất nước này không ngừng gia tăng quy mô sản xuất, nhờ đó giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Việt Nam đang ngày càng trở thành công xưởng sản xuất của thế giới, gia tăng khối lượng sản xuất và tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là xuất khẩu. Điều này xảy ra không chỉ nhờ vào tiềm năng của Việt Nam, mà còn nhờ việc Việt Nam xử lý hoặc mua bán hàng hóa và sản phẩm của các đối tác, đặc biệt là các quốc gia láng giềng. Ví dụ, gạo, cao su, đường, thuốc lá từ Campuchia, điện năng từ Lào, các sản phẩm thép từ Trung Quốc để xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ. Hoạt động này mang về lợi nhuận cho Việt Nam vì xuất khẩu tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà đất nước này đã ký kết. Tôi cho rằng, những chỉ số cao hơn trong giai đoạn 5 năm này đã đạt được bởi vì các hiệp định FTA mà Việt Nam có với các quốc gia và hiệp hội châu Á, châu Âu và châu Mỹ bắt đầu mang lại kết quả. Thời gian tới Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam — EU (EVFTA) cũng sẽ đi vào hiệu lực và sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam".
Hiện nay nền kinh tế Việt Nam chưa có quy chế thị trường theo quy định của WTO,- Giáo sư Mazyrin nói tiếp. Có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam có thể bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả các biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác áp dụng nếu cần. Nhưng, quy định này của WTO đã hết hạn, thời gian tới quy chế cua nền kinh tế Việt Nam phải được xem xét lại. Không có nghi ngờ gì rằng, Việt Nam sẽ được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, điều đó sẽ tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư và thương mại.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, — chuyên gia Nga nhận xét. Giai đoạn công nghiệp hóa đang kết thúc, và đất nước bắt đầu giải quyết nhiệm vụ chuyển sang giai đoạn phát triển sáng tạo. Ở Việt Nam giai đoạn này được gọi là "cách mạng công nghiệp lần thứ 4", nhưng, về bản chất đây là một nền kinh tế tri thức được thể hiện trong công nghệ kỹ thuật số, robot hóa, máy in 3-D, công nghệ di truyền và nhiều thứ khác. Trên thực tế, rất ít người lưu ý đến việc bản báo cáo của Thủ tướng Chính phủ xác nhận rằng, những nhiệm vụ này đang được giải quyết, — Giáo sư Mazyrin nói.
"Yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho tăng trưởng kinh tế là Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn ra con số 42% là đóng góp của TFP vào tăng GDP trong vòng 5 năm qua là 33,5%, và 10 năm trước — 24%. Từ cuối những năm 2000, TFP đã tăng gấp đôi, và chỉ số này cho thấy chất lượng của sự tăng trưởng kinh tế. Hai thành phần khác của chỉ tiêu năng suất các yếu tố tổng hợp là hiệu quả sử dụng vốn và lao động. Ở giai đoạn tăng trưởng kinh tế rộng lớn, hai yếu tố này chiếm 70-80% trong sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Giai đoạn này sắp kết thúc, bây giờ cần phải chú ý đến chất lượng tăng trưởng, và Việt Nam đang làm như vậy, chứng tỏ về điều đó là chỉ số TFP. Sự gia tăng của năng suất các yếu tố tổng hợp cho thấy rõ rằng, hiệu quả của nền kinh tế và năng suất lao động đang tăng lên, về mặt này Việt Nam vượt trước các nước láng giềng trong khu vực. Trong tương lai xa hơn chúng ta sẽ thấy liệu Việt Nam có thể giải quyết thành công các vấn đề chuyển sang phát triển sáng tạo. Đây là những vấn đề rất phức tạp bởi vì phần lớn dân số trong độ tuổi lao động đang làm việc trong các ngành có mức thâm dụng vốn cao: ngành dệt — 2 triệu người, ngành da giày — 1 triệu người, v.v. Nếu tất cả các ngành này được tự động hóa, công nhân sẽ bị sa thải, và vấn đề việc làm sẽ trở thành gay gắt hơn".
Tất nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với "cái bẫy thu nhập trung bình": đây là tình huống khi do tiền lương tăng cao, các nước đang phát triển không thể cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển có trình độ chuyên nghiệp và đổi mới cao, cũng như không thể cạnh tranh với các nền kinh tế có mức lương thấp và giá thành sản xuất rẻ. Hiện nay Việt Nam đã đạt đến mức trung bình này. Liệu Việt Nam có thể tránh rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" mà một số nền kinh tế mới nổi đã rơi vào? Điều đó phụ thuộc vào nhịp độ tiến lên theo con đường phát triển sáng tạo, con đường dẫn đến nền kinh tế tri thức. Việt Nam có đủ điều kiện để thành công.