Hiện nay, hơn 60% lượng rác sinh hoạt ở TP HCM được thu gom bởi lực lượng thu gom rác dân lập. Lực lượng này được xem như "cánh tay nối dài" của các công ty dịch vụ công ích trong việc thu gom rác ở những khu vực mà đội ngũ công nhân vệ sinh công ích quận, huyện chưa bao quát hết. Tuy nhiên, do là tổ chức tự phát nên người thu gom rác dân lập không được hưởng lương và các chế độ phụ cấp của nhà nước. Thu nhập bấp bênh khiến đối tượng này chưa thể tham gia BHYT, bảo hiểm tai nạn.
Thu nhập thấp, rủi ro cao
Theo kết quả nghiên cứu về "An sinh xã hội và an toàn vệ sinh lao động của người thu gom rác dân lập ở TP HCM" do Trung tâm Nghiên cứu Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) công bố mới đây, người trực tiếp thu gom rác dân lập phải làm việc hơn 9 giờ/ngày và hầu như không có ngày nghỉ (29,6 ngày/tháng). Mặt khác, do thường xuyên làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nên người thu gom rác dân lập thường mắc các chứng bệnh về khớp (72,6%); sốt xuất huyết, cảm cúm (64,2%); viêm phổi, phế quản (51,7%); da liễu (59,8%)… Bên cạnh đó, họ còn thường xuyên đối mặt với các nguy cơ về tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Cụ thể, 94,6% người thu gom rác cho biết thường xuyên bị chảy máu tay chân khi làm việc và 23,6% từng bị tai nạn giao thông.
Ông Đoàn Thành Công, người thu gom rác thuộc HTX Đoàn kết (quận 6, TP HCM), chia sẻ: "Việc bị chảy máu chân, tay khi làm việc xảy ra thường xuyên. Do vậy, chúng tôi phải mang theo bông băng, thuốc sát trùng để kịp thời xử lý vết thương, đi chích ngừa để phòng ngừa uốn ván. Bản thân tôi cũng từng bị xe tông khi đang làm việc. Kém may mắn hơn, một số đồng nghiệp bị thiệt mạng khi đang làm việc".
Đối mặt với nhiều nguy cơ như vậy nhưng do thu nhập bình quân khoảng 3,8 triệu đồng/tháng nên việc thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ có vẻ như xa xỉ đối với những người thu gom rác dân lập. Kết quả khảo sát của SDRC đối với 428 người làm công việc này cho thấy trong 12 tháng qua chỉ có 13,7% là có khám sức khỏe tổng quát, khoảng 75% người làm công không có BHYT; 96,3% không có bảo hiểm tai nạn.
Còn nhiều rào cản
Theo ông Tống Văn Thơm, Chủ tịch Nghiệp đoàn (NĐ) Vệ sinh dân lập quận 5, TP HCM, nguyên nhân khiến người thu gom rác dân lập ít tham gia BHYT, bảo hiểm tai nạn là do thu nhập hạn chế và thiếu thông tin.
Ông Thơm cho biết hiện khoảng 62% người thu gom rác dân lập tại TP là lao động ngoài tỉnh, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Nam như Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang… Với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, họ phải chi trả cho các khoản: tiền nhà trọ, sinh hoạt, đầu tư phương tiện vận chuyển rác… nên không còn khả năng tham gia BHYT. Bên cạnh đó, nếu muốn mua BHYT tự nguyện, họ buộc phải mua cho tất cả thành viên trong gia đình khiến chi phí tăng cao, tạo rào cản cho những người muốn tham gia. "Để hỗ trợ đối tượng này tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, từ nguồn quỹ 60 triệu đồng do một dự án nghiên cứu hỗ trợ NĐ, chúng tôi đã cho các thành viên vay 1 triệu đồng/người/năm để mua BHYT, bảo hiểm tai nạn. Hằng tháng, họ chỉ phải trả góp 100.000 đồng/người. Số tiền trả góp hằng tháng lại được dùng hỗ trợ cho các thành viên mới tham gia. Nhờ đó, đến nay 100% thành viên NĐ đã được tham gia BHYT, bảo hiểm tai nạn" — ông Thơm nói. Tương tự, tại HTX Môi Trường Xanh, quận 9, 100% xã viên thu gom rác dân lập cũng được HTX trích kinh phí hỗ trợ tham gia BHYT tự nguyện.
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Phòng Việc làm — An toàn lao động Sở Lao động — Thương binh và Xã hội TP HCM, người thu gom rác dân lập thuộc đối tượng làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại loại IV nhưng chưa được hưởng các chính sách về an sinh xã hội tương xứng. Việc hỗ trợ các thành viên tham gia BHYT, bảo hiểm tai nạn tại các NĐ, HTX là rất đáng quý và cần thiết trong bối cảnh người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, số lượng được hỗ trợ còn hạn chế.
"Các sở, ngành liên quan cần có cơ chế quản lý phù hợp đối với loại hình thu gom rác dân lập, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ chi phí cho đối tượng lao động này trong việc tham gia các chế độ bảo hiểm vì nếu không được hỗ trợ với mức thu nhập hiện nay của họ không thể bảo đảm an sinh được" — bà Bích đề xuất.