Thăm Bắc Kinh hôm 8/10 trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, Ngoại trưởng Mike Pompeo bị Bắc Kinh lạnh nhạt. Tuy nhiên, theo nguồn tin của South China Morning Post, một số quan chức tại Bắc Kinh không đồng tình với cách thức đón tiếp này và hy vọng tận dụng diễn đàn an ninh thường niên mang tên Hương Sơn để thể hiện hình ảnh "Trung Quốc thân thiện hơn".
"Ông Pompeo mong muốn gặp Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng bị từ chối. Sau đó, ông ấy có cuộc gặp chưa đến một giờ với Ngoại trưởng Vương Nghị, và ông Vương dành hầu hết thời gian để chỉ trích chính quyền Trump ‘không ngừng leo thang' căng thẳng thương mại", người này nói.
"Ông Vương và các quan chức thậm chí còn không chiêu đãi ông Pompeo sau cuộc gặp. Đó là một điều thiếu tôn trọng — Trung Quốc được biết đến là một quốc gia đề cao nghi thức, nghi lễ", nguồn tin nhấn mạnh.
Khi hai ngoại trưởng gặp mặt trước truyền thông, ông Vương Nghị nói rằng Mỹ đang gia tăng xung đột thương mại với Trung Quốc và làm tổn hại niềm tin giữa hai nước. Theo SCMP, bầu không khí lúc đó phản ánh quan hệ song phương ngày càng xấu. Ngoài lĩnh vực thương mại, hai nước đang đối đầu cả trong vấn đề an ninh và Biển Đông khi Washington nhiều lần điều máy bay và tàu chiến tới khu vực này.
Tại Diễn đàn an ninh ngày 25/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa dự kiến sẽ phát biểu về "lập trường chính trị hòa bình" của Trung Quốc trong khu vực, động thái được cho là nhằm cam đoan với Washington và Đông Nam Á rằng nước này sẽ không trở thành mối đe dọa.
Hơn 500 đại biểu từ Mỹ, Canada, các quốc gia Đông Nam Á và NATO sẽ góp mặt tại diễn đàn Hương Sơn. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Lật Chiến Thư đã tham dự tiệc chiêu đãi vào tối 24/10.
Washington đang áp dụng lối tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc và quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence công kích Bắc Kinh với bài phát biểu "nảy lửa" tại Viện Hudson hồi đầu tháng. Ông cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào công việc chính trị nội bộ của Mỹ, điều mà quốc gia châu Á sau đó kịch liệt phủ nhận.
Triều Tiên cử phái đoàn 6 người tham dự, dẫn đầu là Kim Hyong Ryong, quyền bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Bộ trưởng Kim sẽ nói về quản trị an ninh quốc tế, đánh dấu lần đầu tiên đại diện Triều Tiên có bài phát biểu tại diễn đàn an ninh toàn cầu.
Giáo sư Giả Khánh Quốc, chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc hy vọng qua sự kiện này tìm được điểm chung với các nước láng giềng châu Á, đặc biệt về vấn đề Biển Đông.
"Bắc Kinh không muốn tranh chấp lãnh thổ với các láng giềng châu Á tại Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với các thành viên ASEAN. Trung Quốc đề cao quan hệ với mọi nước châu Á bởi họ rất quan trọng với an ninh khu vực", giáo sư cho biết.
Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức lần đầu vào năm 2006 nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh, quốc phòng tại châu Á — Thái Bình Dương. Năm 2017, diễn đàn từng bị hủy khi các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc thực hiện cải cách quân đội và đối mặt với nhiều vấn đề ngoại giao.