Hôm nay 26/10, Quốc hội bước vào hai ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế — xã hội năm 2018, kế hoạch 2019 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 — 2020, sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Đây là phiên thảo luận nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu. Ngay đầu giờ sáng, khi Quốc hội bước vào phiên thảo luận, đã có 69 đại biểu đăng ký phát biểu.
Những con số ấn tượng
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 12 chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế — xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, ước cả năm GDP vượt chỉ tiêu 6,7%.
Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được đảm bảo, quy mô kinh tế hơn 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD). GDP bình quân đầu người đạt 2.540 USD vào cuối năm nay, tăng 21% so với 2015.
Phát biểu đầu tiên của phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khẳng định, bước vào kỳ họp đại biểu và cử tri rất phẩn khởi trước thành công lớn của đất nước như báo cáo của Chính phủ đã nêu.
"Những chỉ số rất phấn khởi, những con số rất ấn tượng, xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2%, đặc biệt tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến và nông sản. Ở một đất nước mà người tham gia vào nông nghiệp nhiều thì đây là một con số rất đáng mừng", đại biểu Anh Trí dẫn chứng.
Đặc biệt, nợ công giảm, tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước đạt 2,4%. Đây chính là chỉ số tín nhiệm của nhân dân, của doanh nghiệp đối với Chính phủ.
Vui mừng với kết quả này, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, "đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên".
"Tại thời điểm đó tôi và nhiều đại biểu Quốc hội hết sức lo lắng, bây giờ đứng trên thành công nhìn lại thấy hết sức khâm phục với những bước phát triển ngoạn mục của nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua như báo cáo của Chính phủ", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, tinh giản bộ máy bước đầu đạt kết quả tích cực, công cuộc phòng, chống tham nhũng làm nức lòng cử tri và nhân dân cả nước, đời sống của người dân đã được nâng lên. Việt Nam là 1 trong 18 nền kinh tế có hiệu quả vượt trội so với các nền kinh tế mới nổi còn lại. Những thành tựu là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và cử tri cả nước.
Thất thoát trong đầu tư còn lớn
Nhận xét của Chính phủ cơ bản khống chế được dịch bệnh, nhưng có nhiều vấn đề còn đáng bàn vì mức độ, quy mô dịch bệnh vẫn hoành hành.
"Có thể nói, lúc nào cũng có dịch, rất đáng buồn khi vừa qua có trên 63.000 các cháu bị bệnh chân tay miệng. Dịch sốt xuất huyết, dịch sởi bùng phát trở lại. Số người có thể bảo hiểm ở miền núi cao (trên 93%) nhưng số người khám chữa bệnh và mức độ thụ hưởng lại thấp…", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng cho biết cử tri còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước thất thoát, lãng phí trong đầu tư công còn quá lớn.
"Theo Kiểm toán nhà nước, ngành giao thông có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm. Cứ tình trạng điều chỉnh tăng thêm và kéo dài thời gian thế này thì thất thoát lãng phí là nhiều vô kể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây nhà nước giao cho Bộ GTVT quản lý, xây dựng dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc — Nam và nhiều dự án công trình quan trọng khác với tổng mức đầu tư hàng triệu tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh khỏi", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng bày tỏ, ông vô cùng thấm thía câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là, chưa khi nào đất nước của chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín trên trường quốc tế như ngày hôm nay, nhưng phía trước còn rất khó khăn, thách thức.
Một trong những khó khăn là thu ngân sách năm 2018 tuy có tăng 3% so với dự toán, nhưng có chiều hướng sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Cuối năm 2018 thì 22/57 địa phương không đạt dự toán, trong đó hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hụt thu trong hai năm liên tục. Tình trạng thất thu thuế còn lớn, riêng nợ thuế lên tới 83.000 tỷ động, tăng 13,3% so 2017, thất thoát lãng phí trong đầu tư đất đai…