Sáng 27/10, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, Bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh quan tâm đến vấn đề kiểm soát quyền lực.
Theo ông Triệu Tài Vinh, cần phải làm sao để quyền lực của nhân dân được thực hiện hiệu quả, hệ thống công chức chuyên nghiệp nhất. Trong mỗi ngành, người đứng đầu bộ là bộ trưởng, rồi có người đứng đầu lĩnh vực, trong phòng thì có trưởng phòng…
"Quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ, khắc phục ngay tình trạng trên nóng dưới nóng nhưng giữa lạnh", đại biểu Triệu Tài Vinh cho hay.
Cùng đề cập đến cải cách hành chính, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình cho rằng, chi thường xuyên ngân sách chiếm 70% tổng chi ngân sách, nhưng thực chất chi cho bộ máy chỉ khoảng 10% trong tổng số chi này.
Theo ông, hiện dư luận đang cho rằng bộ máy là gánh nặng ngân sách. Chính vì vậy, cần truyền thông để người dân nhận thức đầy đủ hơn, tránh tình trạng khi cứ bàn về bộ máy, cải cách, tinh giản là bị xuyên tạc, dẫn đến cách hiểu không đúng đắn. Ông dẫn dụ, ngân sách chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục, nhà nước đang bao cấp, nếu không thì người dân đi bệnh viện, trường học phải đóng chi phí như khi đi bệnh viện tư, trường học tư.
"Số chi này là chi cho người dân, chứ không phải chi cho bộ máy", ông Phương cho hay.
Cũng theo ông Phương, quá trình thực hiện tinh giản, tổ chức bộ máy biên chế vẫn lúng túng, nhận thức chưa đầy đủ. Thậm chí, nhiều nơi đang chủ yếu chạy theo tinh giản, ai làm được nhiều, sáp nhập được nhiều thì coi đó là thành tích. Ông ví dụ, tại một số địa phương, các trường sáp nhập với nhau, nhập bộ phận kế toán, giáo viên dạy môn năng khiếu… song sau khi nhập hiệu quả chưa rõ ràng.
Đề cập đến chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, với nỗ lực của toàn ngành, vấn đề này đã có tiến bộ rõ nét. Theo bà, đích cuối cùng là sự hà lòng của con người. Trong khi đó, UNDP, PAPI đánh giá mức độ hài lòng của người dân về khám chữa bệnh là 76%, nội trú là 85%. Cùng với đó, ngành cũng ứng dụng tiến bộ khoa học trong khám, chữa bệnh; ban hành 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện theo kết quả chấm điểm độc lập để tiến tới công khai; xây dựng bệnh viện mới ở tuyến tỉnh, Trung ương, huyện…
Ngoài ra, các bệnh viện cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, có bộ phận tiếp dân, đường dây nóng và phải đảm bảo nhà vệ sinh, khu rửa tay sạch sẽ.
"Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc viện đó ở bẩn. Khoa nào không có nước rửa tay là trưởng khoa đó ở bẩn", bà Tiến cho hay.
Về sự hài lòng của người bệnh trong khám chữa bệnh, dù đã được nâng lên, song thực trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương vẫn cao. Dù ngành y đã nỗ lực nhưng chưa cải thiện như mong muốn.
Nguyên nhân, theo bà Tiến do người bệnh chưa yên tâm với y tế cơ sở, bị bệnh nhẹ cũng vào viện tuyến trên, gây quá tải. Bà ví dụ, dịch chân tay miệng bùng phát tại các tỉnh phía Nam vừa qua, bệnh nhân chỉ mắc nhẹ ở độ 1, độ 2 cũng vào viện tuyến trên, khiến lượng bệnh nhân tại đây quá tải.
Bộ trưởng cho rằng, tình trạng trên có nguyên nhân chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu, không đồng đều. Bộ trưởng Y tế hứa sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các vùng miền để khắc phục tình trạng này.