Cuộc gặp bốn bên về vấn đề ổn định tình hình Syria với sự tham gia của các Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp cùng với Thủ tướng Đức, đã được tổ chức hôm thứ Bảy tại Istanbul.
"Có thể vững tin tuyên bố rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được nhiều kết quả tốt trong quá trình giải quyết vấn đề Syria, và thực tế các lãnh đạo Đức và Pháp đến tham gia hội nghị thượng đỉnh rõ ràng là một thành công lớn. Hơn thế nữa, trong câu hỏi phức tạp như vậy, các nước đã có thể đi đến mẫu số chung theo nhiều vấn đề", — GS Ismail nhận xét.
Theo quan điểm của chuyên gia Ismail, trong việc giải quyết xung đột Syria không nên thiếu phần tham gia của Hoa Kỳ, thế nhưng "với họ lại có vấn đề, người Mỹ có lối tiếp cận hoàn toàn khác, bây giờ họ hầu như vắng mặt trên bình diện này vì vậy Pháp và Đức đóng vai trò thay thế".
"Tại cuộc gặp Istanbul, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo của bốn nước đã thống nhất quan điểm về nhiều nội dung: đó là thỏa thuận về Idlib do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hoạch định và thực hiện, đó là thái độ với chuyện người tị nạn và việc dành viện trợ nhân đạo, đó là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và lập lại hòa bình ở Syria", — người đối thoại nói với hãng thông tấn.
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông, vẫn hiện hữu những điểm chưa đạt được cái nhìn thống nhất: về thái độ với Tổng thống Syria Bashar Assad và về tình hình lãnh thổ Syria ở vùng phía đông Euphrates, hiện nằm trong sự kiểm soát của lực lượng do Mỹ hỗ trợ là các đơn vị dân quân người Kurd (mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố, có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ).
"Ở đây, sự lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ đang vượt lên hàng đầu. Tuy nhiên, Nga cũng cho rằng vùng bờ đông của Euphrates cần được giải thoát khỏi tác động của Hoa Kỳ bởi họ hiện diện ở đó một cách bất hợp pháp. Về chủ đề này, Đức và Pháp còn trì hoãn không trả lời, chắc hẳn bởi không muốn làm hỏng quan hệ với Hoa Kỳ", — GS Ismail nhận định.