Trong khi đó, trong mấy năm qua, những tin về việc Trung Quốc đang xây dựng căn cứ hải quân ở Gwadar được lặp đi lặp lại nhiều đến mức nó được coi gần như là sự thật. Trên thực tế, phía Trung Quốc không có lý do cụ thể nào để sử dụng Gwadar như một quân cảng hỗ trợ cho hạm đội của họ, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin lưu ý trong bài bình luận cho Sputnik.
Trước hết cần phải làm sáng tỏ vấn đề: nếu cảng này được Trung Quốc hỗ trợ thì bằng cách nào điều đó sẽ giúp Bắc Kinh sử dụng cơ sở hạ tầng cảng vào các mục đích quân sự. Nếu công ty Trung Quốc hoạt động tại các cảng ở Pakistan và Sri Lanka, thì công ty này vẫn không có quyền kiểm soát việc tàu nước ngoài vào lãnh hải của quốc gia này — quyền kiểm soát thuộc về chính quyền của các nước đó. Tức là, bất cứ tàu chiến nào của nước ngoài, kể cả tàu chiến Trung Quốc, không thể vào cảng nếu không nhận được giấy phép thích hợp từ chính quyền địa phương.
Mặt khác, kịch bản giả định với các căn cứ quân sự cũng có những nhược điểm rõ ràng. Nói chung, nếu tàu chiến neo đậu tại cảng thương mại thì điều đó tạo ra nhiều bất tiện cho cả hoạt động kinh doanh tại cảng và cho các quân nhân. Chiếc tàu chiến mang vũ khí là một nguồn nguy hiểm cao độ, khiến nó luôn được bảo vệ. Đôi khi một tàu chiến tương đối nhỏ, ví dụ như tàu khu trục, có số lượng thủy thủ đoàn lớn gấp hàng chục lần so với siêu tàu buôn. Ở đây nảy ra câu hỏi: vấn đề cung cấp dịch vụ cho những người này trong thời gian trên bờ sẽ được giải quyết như thế nào?
Xét theo mọi việc, để mở rộng địa lý bố trí hạm đội của mình, Trung Quốc sẽ xây dựng các căn cứ đặc biệt, ví dụ như ở Djibouti. Khi nói về Pakistan, báo chí thường nhắc đến kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân với sự tham gia của Trung Quốc ở Jiwani cách Gwadar 80km. Nhưng tại thời điểm này chúng ta vẫn chưa biết quy chế của cơ sở này.