Những ngày đầu của ông Trump
Theo Asia Times, vào ngày lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ thứ 45 vào ngày 20/1/2017, tờ Trung Hoa Nhật báo phiên bản tiếng Anh (China Daily) đã lên tiếng bác bỏ những lời "tuyên chiến" với mối quan hệ thương mại giữa Mỹ — Trung Quốc, cho rằng "Tất cả những lời đe dọa chiến tranh thương mại với Bắc Kinh chỉ là sự thổi phồng của một con hổ giấy".
Một vài tuần tiếp theo, sau khi ông Trump tuyên bố công nhận chính sách "Một Trung Quốc", học giả Thời Ân Hoằng — Giáo sư về Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Nhân dân Trung Quốc — cho rằng tổng thống Mỹ "đã thua trong cuộc so găng [với người đồng cấp Tập Cận Bình] và ông Trump sẽ bị coi như là hổ giấy."
Trong một cuộc phỏng vấn khác với Hoàn Cầu vào tháng 8/2017, ông Thời cũng nhắc lại quan điểm này và viện dẫn chứng rằng ông Trump đã từ bỏ thế đối đầu với chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Người Trung Quốc từng có cái nhìn "màu hồng" về ông Trump bởi vì tân tổng thống Mỹ đã không thực hiện lời hứa khi tranh cử về việc cứng rắn với Bắc Kinh.
Tháng 1/2018, The New Yorker đăng một bài viết của ông Kim Nhất Nam — một chiến lược gia tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc (NDU) — cho rằng bằng việc rút Mỹ khỏi TPP, ông Trump đã "tặng Trung Quốc một món quà quý giá" và rằng Mỹ "đã rút về ở ẩn, tới thời Trung Quốc tỏa sáng".
Ba tháng sau đó, tờ Atlantic — một tạp chí khác của Mỹ — đã đăng tải một bài viết với nội dung tương tự. Tờ này dẫn lời của ông Thẩm Đinh Lập — Giáo sư Đại học Phúc Đán, Thượng Hải — khẳng định "quá dễ dàng để Trung Quốc đối phó với ông Trump", và người Trung Quốc "quá may mắn" vì nước Mỹ có vị tổng thống như vậy.
Ông Thẩm đưa ra bình luận như trên bởi trong chuyến thăm tới Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, ông Trump đã ca ngợi ông Tập là "người rất đặc biệt". Ngoài ra, ông Trump cũng bày tỏ "sự tôn trọng sâu sắc" với đất nước Trung Quốc và "truyền thống văn hóa tuyệt vời của người dân nước này".
Rõ ràng, không chỉ truyền thông và giới học giả Trung Quốc mà cả những chuyên gia Mỹ và phương Tây cũng tin rằng ông Trump chỉ là "hổ giấy" và việc nhậm chức của ông là "món quà trời cho" dành cho cường quốc châu Á.
Tờ New Yorker đăng bài "Làm Trung Quốc Vĩ đại Trở lại" (phỏng theo câu khẩu hiệu "Make America Great Again" của ông Trump khi còn tranh cử), tờ Atlantic viết bài với tiêu đề "Trung Quốc yêu ông Trump". Một số cơ quan truyền thông của Mỹ và phương Tây khác — ví dụ như Foreign Policy và The Guardian — cũng đều có những bài viết với quan điểm tương tự.
Có thể thấy, việc ông Trump rút khỏi những thỏa thuận đa phương quốc tế quan trọng — đặc biệt là TPP — đã và đang là sai lầm chiến lược lớn bởi động thái này đã cho Trung Quốc lợi thế lớn và nhiều cơ hội hơn để gia tăng ảnh hưởng, trở thành "nhà vô địch toàn cầu" mới trong lĩnh vực tự do thương mại, kinh tế mở và đa phương.
Trung Quốc không nắm bắt được cơ hội
Nhưng Trung Quốc đã thất bại trong việc nắm bắt cơ hội to lớn mà ông Trump tạo ra. Gần 2 năm sau kì bầu cử, "người khổng lồ châu Á" vẫn không thể dẫn đầu trong khu vực châu Á — Thái Bình Dương — chứ chưa nói tới cả thế giới — trong lĩnh vực thương mại.
Mặc cho tư tưởng bảo vệ, cách ly và đơn phương của ông Trump, Trung Quốc vẫn không đạt được thỏa thuận thương mại song phương hay đa phương thực sự đáng kể nào. Lý do đơn giản là mặc cho tất cả lời cam kết của ông Tập, thì Trung Quốc vẫn không hoàn toàn là một nền kinh tế mở và tự do.
Đáng kể hơn, ông Trump ngày càng không giống "một vị tổng thống dễ bị Trung Quốc đối phó" hay "hổ giấy" như nhiều người từng nghĩ.
Từ những năm 1970 — khi hai nước bình thường hóa quan hệ, chưa có một tổng thống Mỹ nào có quan điểm cứng rắn toàn diện với Trung Quốc đến vậy.
Thực sự, không như những người tiền nhiệm, bao gồm cựu tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama — những người coi Trung Quốc là "đối tác chiến lược" của Mỹ, ông Trump lại coi Bắc Kinh là "đối thủ chiến lược", là "kì phùng địch thủ".
"Trung Quốc đang dần trở thành mối họa lớn với những nguyên liệu và công nghệ mang tính chiến lược và quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ".
Tờ Hoàn Cầu nhanh chóng phản hồi lại tuyên bố này, cho rằng "Washington đang có chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc" và nhận định Mỹ đã "có bước ngoặt quan trọng" trong mối quan hệ với Bắc Kinh.
Trong một bài viết đăng tải trên Wall Street Journal vào ngày 19/10, Richard Haass — Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại — cũng cho biết những quan chức Trung Quốc cấp cao ông gặp tại Bắc Kinh rất tức giận với lời nói của ông Pence. Một đại biểu nói:
"Những người Trung Quốc đều rất buồn và tức giận. Ông Pence chỉ trích Trung Quốc rất nhiều. Trong 40 năm trở lại đây, chúng tôi chưa bao giờ phải nghe những lời như vậy. Nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu của chiến tranh lạnh".
Xét trên phản ứng của những đại biểu này, có thể thấy rằng Trung Quốc giờ đây đã nhận ra — và có lẽ cũng đang lo lắng — rằng dưới thời ông Trump, họ phải đối đầu với một nước Mỹ khác, một nước Mỹ sẵn sàng chấm dứt mối quan hệ song phương mà hai nước đã xây dựng từ những năm 1970.
Không phải là "hổ giấy"
Nhưng, đáng ngại hơn cho Bắc Kinh, sự cương quyết của ông Trump còn gây trở ngại cho sự phát triển của Trung Quốc nói chung và kế hoạch của ông Tập nói riêng.
Ví dụ, một trong những kế hoạch lớn của Trung Quốc là "Made in China 2025" — một chiến lược với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành "đầu tàu thế giới trong khoa học và công nghệ". Những thuế quan của ông Trump với Bắc Kinh chủ yếu nhằm vào kế hoạch này.
Bên cạnh việc đặt ra cấm vận nhằm vào "những hạng mục hàng hóa" liên quan tới chính sách này, Nhà Trắng còn áp dụng các "cấm vận các khoản đầu tư cụ thể và tăng cường kiểm soát xuất khẩu tới những cá nhân và cơ quan Trung Quốc có liên quan tới việc thu thập những công nghệ công nghiệp đặc biệt".
Đối diện với một tổng thống Trump "không biết nói suông", các quan chức và truyền thông Trung Quốc đã thể hiện sự tức giận gay gắt.
Tháng 3 năm nay, tờ Hoàn Cầu viết:
"Mỹ đang vươn tầm ảnh hưởng tới khắp nơi trên thế giới. Washington cần được dạy một bài học và chỉ Trung Quốc — đất nước với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới — mới có thể làm được điều đó."
Trong một bài viết một tháng sau đó, tờ báo này tiếp tục viết "cú phản đòn thương mại của Trung Quốc đã khiến Mỹ có một bài học nhớ đời" và Bắc Kinh "quyết chiến đấu tới cùng".
Tuy nhiên, gần đây, tờ Hoàn Cầu đã "dịu giọng" đi rất nhiều, đề cao hợp tác, bớt đối đầu.
"Trung Quốc cần phải tránh xa những vấn đề mang tính cảm tính và có đánh giá chiến lược, khách quan, cụ thể về Mỹ dựa trên mối quan hệ song phương hiện tại".
Trong một bài viết khác, Hoàn Cầu viết:
"Trung Quốc hiểu rõ sức mạnh Mỹ và Trung Quốc không muốn đối đầu. Nhưng Mỹ cần phải tôn trọng quyền phát triển của Trung Quốc".
Về nhiều mặt, cách phản ứng như vậy là khôn ngoan bởi nó ngăn chặn căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và kìm chế sự leo thang dẫn tới Chiến Tranh Lạnh, hay tệ hơn là "chiến tranh nóng".
Nếu một năm trước đây, nhiều người Trung Quốc nghĩ rằng ông Trump là "hổ giấy", thì có lẽ bây giờ rất ít người còn giữ quan điểm như vậy.
Đánh giá sai lầm cơ bản về một vị "tỉ phú — tổng thống" chính là nguyên do khiến Trung Quốc ngày hôm nay gặp bế tắc toàn diện trong cuộc chiến nhiều mặt với Mỹ.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn