Hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga với nước ngoài không chỉ giới hạn trong việc cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự, dịch vụ, đạn dược và phụ tùng thay thế. Một khía cạnh quan trọng trong việc hợp tác kỹ thuật quân sự là đào tạo cán bộ cho quân đội nước ngoài trong các trường quân sự của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga. Các sĩ quan có trình độ chuyên môn cao tốt nghiệp từ đây. Ngoài ra, họ thông thạo tiếng Nga, quen thuộc với thực tế hiện tại nước Nga, hiểu biết lịch sử Nga (gồm cả lịch sử quân sự), có văn hóa, hiểu biết tâm lý, phong tục và truyền thống của người Nga.
Một trong những "ngôi đền của khoa học quân sự" — Học viện Không quân —Vũ trụ (VKA) ở St. Petersburg — "thủ đô văn hóa" và là một trong những trung tâm giáo dục lớn ở Nga. VKA — một trong những trường đại học bách khoa kỹ thuật lâu đời nhất của Nga, có tiền thân là Trường Kỹ thuật, được thành lập theo sắc lệnh của Nga hoàng Piotr Đại đế năm 1712.
Nhà trường đã nhiều lần đổi tên, mở rộng chuyên ngành đào tạo. Chính nơi đây đã đào tạo cho nước Nga nhiều vị danh tướng — anh hùng của cuộc chiến tranh Vệ quốc năm 1812: Nguyên soái Mikhail Kutuzov, các tướng lĩnh Dorokhov, Ilovaysky, Seslavin, Kostenecki. Những sinh viên tốt nghiệp từ trường như tướng Zasyadko và Kozen là những người đặt nền móng cho việc áp dụng vũ khí tên lửa trong quân đội Nga. Từ cuối những năm 1920, học viện chuyên đào tạo cán bộ cho lực lượng Không quân của Hồng quân. Những phi công nổi tiếng đã học tập tại đây có thể kể đến: Anh hùng Liên Xô Anatoly Lyapidevsky, Nikolai Kamanin (về sau là chỉ huy đầu tiên đội các nhà du hành vũ trụ Liên Xô, thầy của Yuri Gagarin và Gherman Titov), Georgy Baydukov (thành viên phi hành đoàn huyền thoại của Valery Chkalov, vào năm 1937 thực hiện chuyến bay thẳng từ Liên Xô đến Mỹ, băng qua Bắc Cực), Vladimir Kokkinaki (phi công thử nghiệm công huân, người đầu tiên thực hiện chuyến bay ngắn nhất giữa châu Âu — Mỹ (1939) và lái máy bay phản lực Il-62 của Liên Xô xuyên lục địa (1963), Mavriky Slepnyov (phi công bay vùng cực và trên biển nổi tiếng). Năm 1955, Học viện được đặt theo tên Alexander Mozhaysky (1825-1890.) — một sĩ quan — kỹ sư xuất sắc của hải quân Nga, người chế tạo ra chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới (1882).
Với sự hình thành Quân chủng Tên lửa Chiến lược, Học viện bắt đầu đào tạo cán bộ cho ngành và cho những đơn vị Vũ trụ đầu tiên. Ngày nay, Học viện Không quân Vũ trụ mang tên Mozhaysky đang tiếp tục đào tạo chuyên gia cho quân đội Nga và các lực lượng vũ trang một số nước châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi.
Nói về lịch sử đào tạo học viên quân đội nước ngoài, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với "Sputnik", người đứng đầu Khoa đặc biệt của Học viện Không quân — Vũ trụ, Tiến sĩ Khoa học Quân sự, Đại tá Vladimir Khomich cho biết:
"Khoa đặc biệt trên thực tế được thành lập vào tháng 10 năm 1945. Chính xác hơn, khi đó là một phân khoa đặc biệt, đầu tiên là nơi đào tạo các công dân Mông Cổ. Họ được huấn luyện cùng với các học viên Liên Xô. Sau đó, phân khoa đặc biệt được mở rộng, trở thành một khoa hoàn chỉnh, tiếp nhận công dân các nước Đông Âu, sau đó là thành viên khối Warsaw. Tiếp theo là những học viên đến từ một số quốc gia ở châu Mỹ Latin, châu Á và châu Phi cũng đến đây học tập. Vào thời điểm Liên Xô sụp đổ năm 1991, các học viên từ gần 30 quốc gia đã được đào tạo tại Khoa đặc biệt. Khi nước Nga mới được thành lập, nơi đây đã đào tạo các chuyên gia quân sự cho 40 quốc gia (gồm cả các nước SNG anh em, đặc biệt là các nước thành viên ODKB ). Số lượng học viên nước ngoài tăng lên qua từng năm; trong 6 năm qua, con số này đã tăng gấp 4 lần. Về cơ bản, chúng tôi đang đào tạo các học viên — sĩ quan tương lai, và sinh viên — sĩ quan của quân đội các nước bạn — được đào tạo theo chương trình giáo dục chuyên môn bổ sung và chương trình nâng cao".
Một trong những cơ sở tiền nhiệm của khoa đặc biệt là Trường Địa hình Quân sự, hiện nằm trong thành phần Học viện Không quân —Vũ trụ (VKA). Người nước ngoài được đào tạo ở đây chủ yếu là các nhà địa hình — bản đồ quân sự. Nhưng bây giờ họ có cơ hội nâng cao chuyên môn của mình. Học viện liên tục nhận được yêu cầu từ lực lượng vũ trang nước ngoài để tiếp nhận sinh viên được đào tạo trong các chuyên ngành khác. Theo quy định, người nước ngoài không bị từ chối, ngoại trừ những chuyên ngành "đóng" (chỉ đào tạo người Nga và dành riêng cho quân đội Nga) hoặc các ngành không liên quan đến quân đội của quốc gia cụ thể này (họ chưa có trang thiết bị tương xứng). Tuy nhiên, nếu việc hợp tác quân sự — kỹ thuật của Nga với một quốc gia thân thiện trở nên sâu sắc hơn, thì giảng viên Khoa đặc biệt của VKA sẵn sàng đào tạo công dân nước đó những "nghề nghiệp" quân sự trước đây "đóng cửa" đối với người nước ngoài.
Biểu tượng của các sĩ quan quân đội Việt Nam trong Học viện quân sự này là chiến thắng của Việt Nam vào năm 1975. Trong một thời gian khá dài, các sĩ quan của quân đội Lào và Campuchia cũng được huấn luyện tại đây. Người đứng đầu hiện nay của Cục bản đồ quân sự Quân đội Lào, cũng tốt nghiệp tại Khoa đặc biệt. Đại tá Khomich nói:
"Chúng tôi có quan hệ tốt với Việt Nam và các lực lượng vũ trang nước này. Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ Học viện nắm giữ các vị trí cao cấp trong Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trong năm 2015, khoa kỷ niệm 70 năm, và các cựu sinh viên Việt Nam đã đến tham dự với chúng tôi, trong đó có cựu giám đốc Cục bản đồ Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Việt Nam, Tướng Bùi Công. Do thực tế ông là vị tướng duy nhất trong buổi lễ kỷ niệm, ông đã được trao quyền khai hỏa "phát bắn danh dự" từ một khẩu pháo trong Pháo đài Petropavlosky. (Ở St. Petersburg theo một truyền thống từ thế kỷ 18, hàng ngày vào đúng giữa trưa, từ một trong những ngọn tháp của Pháo đài Petropavlosky lịch sử, một khẩu pháo thật sẽ khai hỏa không có đạn). Các học viên từ Việt Nam ngày nay đã "giữ gìn bản sắc" của những người tiền nhiệm. Ví dụ, tại Olympic Toán học hàng năm giữa các sinh viên trong Học viện, đội tuyển Khoa đặc biệt chiếm vị trí đầu tiên. Nòng cốt của đội luôn là người Việt Nam! "
Trong một cuộc phỏng vấn với "Sputnik", học viên khóa 5 — sỹ quan bản đồ tương lai Phan Công Hoàng đã nói:
"Việc được học tại khoa đặc biệt của Học viện mang tên Mozhaysky là sự vinh dự và tôi tự hào về điều đó. Trình độ đào tạo trong VKA rất cao. Nhìn chung, có rất ít quốc gia đào tạo các nhà bản đồ quân sự chất lượng cao. Tôi cố hết sức để hoàn thành khóa học và sau đó phục vụ Tổ quốc một cách xứng đáng. Trong khi học, tôi đã làm quen với vũ khí Nga hiện đại. Một số đã có trong trang bị quân đội Việt Nam: máy bay chiến đấu Su-30, hệ thống tên lửa phòng không S-300, tàu ngầm Dự án 636. Việt Nam đã đặt hàng xe tăng T-90S của Nga. Tôi muốn thấy trong tương lai xuất hiện những điều kiện cho phép Việt Nam mua máy bay chiến đấu Su-35 mới nhất và hệ thống phòng không S-400. Nói chung hai nước chúng ta đã hợp tác lâu dài trong lĩnh vực quân sự — kỹ thuật, và tôi muốn sự hợp tác này tiếp tục phát triển cả về mặt kỹ thuật thuần túy cũng như việc đào tạo chuyên gia cho quân đội chúng tôi".
Phan Công Hoàng đã sống ở Nga khoảng 6 năm, nói tiếng Nga xuất sắc, quen thuộc với cuộc sống của người dân Nga hiện đại.
"Tôi bắt đầu học khi còn ở nhà, tại một trường quân đội, trong một năm tôi học tiếng Nga, và sau đó tôi đến Nga. Tất nhiên tiếng Anh phổ biến nhất trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, trước đây tiếng Nga là ngôn ngữ nước ngoài được sử dụng rộng rãi nhất. Sau đó, vì lý do ai cũng biết, tiếng Nga đã đánh mất vị trí của mình, nhưng gần đây sự quan tâm đến ngôn ngữ Nga đã được hồi sinh, tiếng Nga chiếm vị trí thứ ba trong số những ngôn ngữ nước ngoài phổ biến nhất. Nhiều sinh viên nghiên cứu môn tiếng Nga. Tất nhiên, Liên bang Nga hiện đại đã thay đổi trong nhiều khía cạnh so với thời Liên Xô. Nhưng phần lớn người Nga vẫn là những người cởi mở, chân thành và hiếu khách. Tôi hy vọng Việt Nam và Nga sẽ duy trì mối quan hệ tuyệt vời trong tương lai và sẽ tích cực hợp tác".
Ngoài những từ Đông Nam Á, công dân của các nước Mỹ Latinh cũng được đào tạo tại Khoa đặc biệt của VKA. Những người Cuba đến đầu tiên, năm 1985 bắt đầu nhận sinh viên Nicaragua, năm 2012 các học viên từ Peru và một nhóm khác từ Nicaragua nhập học. Hiện nay đang đợi quyết định tiếp nhận các công dân của Venezuela. Có rất nhiều người châu Phi trong số các học viên của Khoa đặc biệt.
Sự quan tâm từ những người nước ngoài để theo học quân sự ở Nga, trong Học viện Khoa học Quân sự, không phải là ngẫu nhiên. Vladimir Khomich, người đứng đầu Khoa đặc biệt, giải thích điều này trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
"Các trường quân sự hoàn toàn giống với Học viện có lẽ không có trên thế giới. Bởi vì chúng tôi đào tạo các sĩ quan trong một loạt ngành hẹp. Và địa lý quân sự là chuyên ngành hiếm nhất. Trên thế giới chỉ có ba trường quân sự đào tạo ngành này! Và tôi chân thành chúc các đồng nghiệp thành công. Nhưng cần phải tính đến thực tế là số lượng các nước mà đại diện của họ đang theo học tại trường liên tục phát triển gần như theo cấp số nhân. Có thể kết luận rằng trong quân đội của những quốc gia, cần đến những chuyên ngành hẹp như vậy, họ đã so sánh khả năng của các trường quân sự khác nhau, và đã lựa chọn Học viện quân sự mang tên Mozhaisky ở Nga".