Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói ông có theo dõi công luận, báo chí cũng như mạng xã hội bình luận về vụ án “lùi xe trên cao tốc Thái Nguyên”.
"Tôi sẽ cho rà soát, kiểm tra lại về bản án này”- ông cam kết.
Cam kết ấy không chỉ mang lại chút ít hi vọng cho một con người, một gia đình mà cả đối với dư luận nhân dân, đã bức xúc suốt những ngày qua.
Có thể nói việc, 2 cấp tòa tuyên án tù giam đối với Lê Ngọc Hoàng, tài xế chiếc xe container trong vụ "lùi xe trên cao tốc Thái Nguyên" đã gây ra sự phản đối lớn chưa từng thấy trong dư luận.
Đến mức chỉ từ một vụ tai nạn, thậm chí những câu hỏi về sự công bằng, về công lý đã được đặt ra. Không ít ý kiến còn đặt vấn đề về những tiền lệ xấu, rất xấu có thể mang lại trước bản án này khi một hành động bất khả kháng trước tình huống bất ngờ bị tuyên là có tội.
Răn đe: Không! Bởi tiền lệ "khoảng cách an toàn" ngay cả đối với một chiếc xe lùi trên đường cao tốc sẽ khiến những người lái bất chấp tất cả để tránh né, và như vậy sẽ có một lái xe khác, ở một làn khác phạm lỗi giữ "khoảng cách an toàn".
Hãy lưu ý rằng, ngay cả căn cứ mà tòa án áp dụng để tuyên có tội đối với bị cáo Hoàng — quy định "không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước" theo thông tư 91/2015 của Bộ Giao thông Vận tải — là khoảng cách áp dụng đối với xe chạy trước cùng tịnh tiến — chứ không phải đối với một chiếc xe đang lùi ngược chiều.
Mục tiêu của một bản án nếu không đạt được cả chức năng răn đe, giáo dục, phòng ngừa mà chỉ là cào bằng trách nhiệm và trừng trị cả khi người ta bất khả kháng thì làm sao có thể coi là thấu tình đạt lý, làm sao khiến bị án tâm phục khẩu phục, làm sao bảo dư luận không bức xúc, phản đối.
Lê Ngọc Hoàng đã bị tạm giam gần 2 năm qua, nhưng tòa án không thể tránh oan sai, không thể tránh bồi thường bằng cách tuyên có tội một hành động bất khả kháng được.
Bởi một bản án không đúng người đúng tội chẳng những không hề có ý nghĩa giáo dục, phòng ngừa mà còn làm oan một người vô tội, gây ra những bất công với những người thấp cổ bé họng.