Dự án này do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với kinh phí 110 triệu USD, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện, bắt đầu từ tháng 8-2012.
Đến nay đã xử lý thành công hơn 90.000m3 đất, trầm tích ô nhiễm dioxin bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt; cô lập an toàn 50.000m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp.
Tổng ba đợt bàn giao đất qua xử lý dioxin, trả lại 33ha đất sạch để mở rộng sân bay Đà Nẵng.
Đồng thời dự án này là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, giám sát và ứng dụng công nghệ khắc phục hậu quả chất độc hóa học.
"Tôi hi vọng trong năm 2019 triển khai cam kết của lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng ta sẽ chứng kiến dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và chứng kiến thêm nhiều chương trình hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh" — thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.
Về phần mình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink coi đây là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai Chính phủ và giúp cải thiện môi trường sạch, an toàn hơn cho người dân Đà Nẵng.
Ông đánh giá đây là dự án tiêu biểu, giải quyết một cách có trách nhiệm các vấn đề còn lại và chuyển một nội dung gây bất đồng thành một nội dung để cộng tác.
Ông nói: "Làm việc cùng nhau để giải quyết quá khứ, giúp chúng ta có thể tăng cường hơn nữa mối quan hệ hướng về phía trước và thức đẩy lợi ích chung gắn kết giữa nhân dân hai nước. Hoa Kỳ tiếp tục cam kết là đối tác của Việt Nam trong việc đạt mục tiêu chung của chúng ta là xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh và độc lập".
Đặc biệt là xử lý ô nhiễm tại khu vực sân bay Biên Hòa, một điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.
Trước đó USAID đã ký thỏa thuận tài trợ với Quân chủng Phòng không — Không quân Việt Nam cho khoản đóng góp kinh phí dự kiến là 183 triệu USD để phục vụ các hoạt động xử lý ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu.