Phương rất ghét cảm giác cầm cái chai nhựa đi mua rượu cho bố. Đến tận ngày bố mất, Phương vẫn không hiểu tại sao, bố lại chọn rượu, giữa tất cả những gì bố có: một người vợ tảo tần, hai đứa con ngoan ngoãn.
Đi hết con đường đất đá lởm chởm, tới cái cửa hàng tạp hóa đầu hẻm, Phương nói:
"Cho cháu 2.000 rượu". "Sáng ra đã rượu? Lại cho bố mày à", tiếng người đàn bà trong căn nhà vang lên. Từ cửa hàng tạp hóa về tới nhà lại vấp phải hàng chục con mắt chăm chăm nhìn vào cái chai nhựa con bé cầm tòn teng trên tay. "À, thế là nó đã đi mua rượu cho bố nó đấy", "Sáng ngày ra đã nhậu rồi"… Chắc chắn là họ nghĩ thế!
Phương thầm nghĩ, nó xấu hổ và căm ghét bố vô cùng. Tại sao bố lại uống nhiều rượu? Tại sao bố không đi làm giống như nhiều người? Tại sao bố không bao giờ nhẹ nhàng với nó, giống như nhiều ông bố của nhiều đứa bạn khác. Phương nghĩ, cho tới khi bước chân vào nhà.
Đập vào tai nó là tiếng mẹ nó khóc bù lu bù loa:
"Sao tôi không chết đi cho rồi, sao số tôi khổ như thế này. Giời ơi là giời". Bát đũa cốc chén vất tứ tung. Con mèo già sợ hãi tiếng ly tách loảng xoảng chạy biến khỏi căn nhà ngổn ngang túi ni lông và những bịch thức ăn thừa. Bố nó vẫn mơ màng, "Phương, mang rượu vào cho bố. Nói ít thôi, im mồm, không ông táng cho một phát đấy".
Phương là cô bé hàng xóm kém tôi 8 tuổi. Gia đình em chuyển tới khu tập thể cho công nhân nhà máy gạch chúng tôi sau một thời gian làm nghề đi biển ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Năm đó là Phương học lớp 2. Năm Phương học lớp 8, bố em nghỉ hẳn việc làm thuê ở nhà máy vì không ai thuê một người nghiện rượu, chân tay loẻo khoẻo, thường xuyên làm đổ vỡ các thùng hàng. Bố Phương không uống được nhiều rượu như 6 năm trước nhưng chỉ uống một chút vào đã say và nói nhảm, chân tay đi run rẩy, mặt nổi chi chít những mụn lớn như vầng bánh đa.
Phương vào lớp 10. Bố ốm yếu nhiều hơn trước. Mẹ đưa bố đi khám ở bệnh viện tỉnh thấy kết luận đủ thứ bệnh, nào gan, nào dạ dày. Chẳng thuốc men nào đọ được khi mà can rượu vẫn ở góc nhà. Mấy tháng trước, gia đình bên nội họp bàn và tranh cãi về ngôi nhà của bà nội đã mất nhưng không để lại di chúc.
Trong hơi men, bố Phương run rẩy cầm cả con dao chém suýt vỡ đầu người em trai khiến công an phải tới để làm việc. Ít nhất thì ngày đó, bố Phương vẫn còn sức để cầm… cả một con dao.
Những ngày cuối cùng của bố Phương, căn nhà cấp 4 vẫn đầy mùi ẩm mốc, tủ quần áo lẫn lộn với chỗ ở của những con mèo… Đến tận ngày bố qua đời, Phương cũng không hiểu tại sao, bố lại chọn rượu, giữa tất cả những gì bố có, tốt đẹp hơn thế ở đời này: một người vợ tảo tần chịu thương chịu khó, hai đứa con ngoan ngoãn học giỏi, một mái nhà không lớn nhưng đủ để che nắng che mưa. Phương không có một người bạn thân nào cả, cho tới khi cô học hết trung học phổ thông, cô sợ hãi, tới một lúc, họ biết cô từng có một người bố chết vì nghiện rượu…
Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều người và hiểu rằng, ở đâu đó khắp dải đất hình chữ S này, còn nhiều lắm những người chọn rượu thay cho thứ nước để họ giải khát và giết đi những nỗi buồn. Họ giết nỗi buồn bằng rượu, rượu giết chính họ, dần dần, từ từ, từ chính trong tâm.
Nếu uống rượu mà chết ngay lập tức như người ta uống liều thuốc độc, chắc chắn không ai dám uống. Cái kinh khủng là cái chết dần dần, từ từ, cái chết từ trong nhân phẩm con người khi bị ma men dẫn lối. "Một chút thôi mà", nhiều người nhủ thầm như vậy, nhưng nghiện lúc nào không biết. Rượu cũng quá rẻ để cho một cuộc vui, hai, ba ngàn lẻ là được một xị để lai rai. Rượu càng rẻ, càng không biết nó được pha trộn với hóa chất gì trong đó…
Phương mồ côi bố. Đến bây giờ cô vẫn độc thân, chưa tìm được cho mình một người đàn ông đủ tin tưởng và chung đôi hết phần đời còn lại. Trưởng thành, đưa mẹ và em tới một ngôi nhà khác, tránh xa những kỷ niệm buồn, cô vẫn luôn tự hỏi:
"Bố ơi, nếu không có rượu, chắc chắn bố luôn thương mẹ và chúng con, có phải không…?".