Đa số ĐBQH có mặt cũng đã bấm nút thông qua 12 chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu của năm 2019. Cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5%; số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
Nghị quyết được Quốc hội thông qua cũng nêu rõ: Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề.
Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Kết luận số 37-KL/TW ngày 17/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tình hình kinh tế — xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế — xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, đồng thời yêu cầu tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính.
Có thể kể đến như: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; tập trung phát triển các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, chế biến nông sản,…
Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách; tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và triển khai hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh: Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; kiểm soát các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó là đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động và nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ.
Quốc hội còn yêu cầu tiếp tục xây dựng thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh; sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các khu đô thị lớn; tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tiếp tục tăng cường giám sát xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp để ngăn chặn tình trạng các cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại thao túng, chi phối hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng phục vụ lợi ích cho các cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn.
Một nội dung quan trọng cũng được Nghị quyết của Quốc hội lưu ý là thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; khẩn trương triển khai việc tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý của các đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong tất cả các lĩnh vực; chuyển giao dịch vụ công đối với những lĩnh vực mà xã hội và thị trường có thể đảm nhận được; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ.
Đặc biệt, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình; quyết liệt rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như quản lý, sử dụng đất, tài sản công, cổ phần hóa, thuế, hải quan…