Chiều 13/11, VKSND tỉnh Phú Thọ công bố kết luận về vai trò của ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, và các bị cáo. Cơ quan công tố cho rằng hành vi của ông Vĩnh và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ. Trong đó, Phan Văn Vĩnh giữ vai trò chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực.
Che giấu việc góp vốn
Theo cơ quan công tố, khi là Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, ông Vĩnh đã công nhận Công ty CNC của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong của C50 khi chưa có ý kiến thống nhất của Tổng cục 3.
Với chức vụ Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Phan Văn Vĩnh phải là người nắm rõ nhất hành vi cấu thành tội phạm của tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, nhưng khi trùm cờ bạc đề xuất cho công khai game đánh bạc, bị cáo Vĩnh giao C50 nghiên cứu, đề xuất.
Sau đó, ông Vĩnh đồng ý đề xuất, giao Nguyễn Thanh Hóa tổ chức thí điểm mô hình đánh bạc qua mạng. Theo kiểm sát viên, việc chấp thuận này trái với nguyên tắc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Theo quy định, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công nghệ cao là các đơn vị nghiệp vụ trong công an. Tuy nhiên, tại nơi làm việc của Công ty CNC, các bị cáo đặt biển hiệu ghi:
"Bộ Công an — Cục C50; Phòng làm việc của thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa — Cục trưởng".
"Điều này thể hiện người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện tội phạm, đồng thời ngăn cản có hiệu quả đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm", công tố viên nêu cáo buộc.
Đặc biệt, việc Phan Văn Vĩnh bút phê vào văn bản hợp thức để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp đã gián tiếp thừa nhận bản thân chỉ đạo C50 hợp tác với Công ty CNC ngay từ năm 2011.
Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Phan Văn Vĩnh báo cáo về việc CNC vận hành 2 game có dấu hiệu đánh bạc trá hình, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Sau 50 ngày, khi có văn bản lần thứ 2, bị cáo mới chỉ đạo cấp dưới báo cáo nhưng không đúng sự thật.
Lúc này, ông Vĩnh không những không chỉ đạo ngăn chặn đường dây cờ bạc, mà còn chỉ đạo ông Nguyễn Công Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game đánh bạc của CNC.
Ông Vĩnh có 3 tình tiết giảm nhẹ
Bị cáo Phan Văn Vĩnh phủ nhận việc Dương khai đã cho ông ta 27 tỷ đồng và 1,7 triệu USD. Về việc Dương khai tặng ông Vĩnh chiếc đồng hồ hiệu Rolex trị giá 7.000 USD, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nói ông mua đồng hồ của Dương, sau đó đã làm mất.
Do mâu thuẫn trong lời khai việc cho, nhận tài sản, trong khi không thu được vật chứng nên cơ quan điều tra tách hành vi này để làm rõ, xử lý sau, đồng thời ghi nhận lời tự thú của Nguyễn Văn Dương để xử lý trong vụ án.
Cơ quan tố tụng cho rằng về khách quan, bị cáo Phan Văn Vĩnh có đầy đủ dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm trong việc tổ chức đánh bạc trái phép. Song về chủ thể, ông Vĩnh là người có chức vụ quyền hạn, có thể quyết định việc sống, còn của game đánh bạc nhưng không xử lý, gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.
Xét về bản chất, hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu "bảo kê", nhận hối lộ. Nhưng cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xác định 2 cựu cán bộ hưởng lợi cá nhân nên việc xem xét xử lý hành vi của Phan Văn Vĩnh dừng lại ở tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kiểm sát viên, bị cáo Phan Văn Vĩnh được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ do khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; có nhiều thành tích xuất sắc và là thương binh hạng 2/4.