Ngày 13/11, sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Minh Sơn — đoàn Tiền Giang nhấn mạnh, về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ với 20 trang báo cáo, 2 phụ lục, 41 chú thích, báo cáo đã nêu bật được thành quả của công tác phòng, chống tham nhũng trong năm nay.
Có lẽ đây là năm mà hoạt động phòng, chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến giờ. Theo đại biểu, không thể đề ra chỉ tiêu năm tới phòng bao nhiêu, chống bao nhiêu.
"Việc của chúng ta là ban hành luật, sửa luật, ban hành nhiều văn bản dưới luật để phòng, chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng là con người, người có chức, có quyền trừ nhân dân. Như vậy, đối tượng có điều kiện và khả năng tham nhũng có thể ước đoán được. Nhưng không phải ai có chức, có quyền cũng tham nhũng, nên chức quyền dù to hay nhỏ, cao hay thấp chỉ là điều kiện, còn lương tâm, phẩm chất đạo đức con người là cái quyết định", đại biểu phân tích.
Làm nhiều luật, sửa nhiều luật cũng chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng, nhưng con người tham thì họ tìm đủ mọi cách.
Nhiều nước tiên tiến có lịch sử pháp luật hàng trăm năm vẫn có kẽ hở, nên cần tập trung xây dựng phẩm chất đạo đức con người đi đôi với tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng.
"Người biết luật, người cầm cân nảy mực, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn", đại biểu Sơn nêu quan điểm.
Đại biểu cho rằng, qua nội dung báo cáo của Chính phủ, có cơ quan chịu trách nhiệm chính về phòng, chống tham nhũng vẫn xảy ra tham nhũng.
"Hãy lắng nghe lời ca thán của cử tri qua các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, muốn xin vào làm việc chỗ này, chỗ kia, lên chức này, chức kia, được việc này, việc khác cho nhanh đều có "giá" cả. Giá đó không mặc cả, không cò kè thêm bớt. Không ưng thì có người khác sẵn sàng thay thế. Đây là thách thức lớn đối với Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay", đại biểu nói.
Đại biểu cảm nhận, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 tốt hơn, mạnh hơn mấy năm trước. Nhân dân tin tưởng hơn, còn thuyên giảm hơn thì chưa hiện rõ.
"Vì dư luận, báo chí hàng ngày đều nêu nhiều việc sai trái, như tại kỳ họp này có đại biểu Quốc hội bức xúc cho rằng, một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản mà không ai thấy. Vậy cái đó là cái gì?", đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Sơn tiếp tục phân tích, cũng trong báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, ở trang 9 điểm d, có báo cáo về tặng quà và nộp lại quà tặng.
Đây là một điểm mới, đánh dấu cho hiệu quả của lời kêu gọi của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ.
Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn và ngăn chặn tội đút lót, hối lộ.
Tuy nhiên, con số địa phương được nêu tên ở đây chỉ có 9 tỉnh, băn khoăn của tôi chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà và nộp lại quà tặng, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị 451,5 triệu đồng.
Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không, hay không có ai tặng quà nên không có việc nộp lại quà tặng, nếu đúng như thế là đáng mừng.
Tương tự như vậy, báo cáo phòng, chống tham nhũng có nêu phần thu hồi tài sản bị tham nhũng có cả hiện kim và hiện vật.
"Vậy, hiện kim đó có phản ánh qua phần thu về ngân sách Nhà nước báo cáo Quốc hội hàng năm không, bởi vì ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, là mồ hôi, nước mắt của dân đóng góp để xây dựng đất nước. Tham nhũng, cố ý làm trái gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm mất tiền của dân. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải thu hồi và nộp lại ngân sách nhà nước, phần này cần được Chính phủ báo cáo rõ hơn thì Quốc hội mới giám sát theo đề xuất, kiến nghị", đại biểu kiến nghị.