TS Lê Đăng Doanh đã kể những câu chuyện thực tại Hội thảo đánh giá về chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh sáng nay, 14-11. Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Aus4reform — một chương trình kéo dài bốn năm nhằm nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam — tổ chức.
"Một số doanh nghiệp nói với tôi điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã giảm đi, việc thực hiện các thủ tục qua mạng đã dễ dàng hơn nhưng khâu cuối cùng dứt khoát phải tiếp cận cán bộ", TS Doanh nói.
Theo TS Doanh, các doanh nghiệp vẫn phản ánh với ông những điều vẫn cũ.
"Nếu phong bì nhẹ thì 3 tháng thủ tục mới xong, nếu phong bì đủ nặng thì chiều đến lấy. Các doanh nghiệp nói chi phí tăng lên có khi tới 500%. Trước kia chúng em thuộc loại nhà nghèo, đưa 200.000 đến 500.000 sẽ được chấp thuận, nhưng giờ mức ấy không ăn thua", TS Doanh kể.
Đánh giá về các ĐKKD, TS Doanh cho rằng nó đã quá lạc hậu so với thời cuộc, với kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thừa nhận rằng cuộc chiến cắt giảm ĐKKD là gian khổ, TS Doanh nói thời Thủ tướng Phan Văn Khải cắt giảm hơn nửa trong số gần 500 ĐKKD hồi đó cũng đã rất gian khổ rồi.
"Có luật sư chuyên hỗ trợ doanh nghiệp nói với tôi, ĐKKD hiện nay có tới 7.000 chứ không phải 5.000 hay 3.000 như ta đang thấy. Vì vậy, cuộc chiến này vẫn rất khẩn thiết", TS Doanh nói.
Trình bày sơ bộ về kết quả rà soát, đánh giá việc cắt giảm ĐKKD, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, cho hay các ĐKKD thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có 29 ĐKKD phát sinh. Nếu tính tổng số các ĐKKD hiện hành thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
Tuy vậy, theo ông Hiếu, vẫn có những sự cắt giảm ĐKKD chẳng mang lại tác động gì. Chẳng hạn như quy định "có năng lực hành vi dân sự đầy đủ", hay việc sửa đổi các quy định yêu cầu nhân sự có kinh nghiệm 36 tháng thì được giảm xuống còn… 30 tháng. Đặc biệt, có những quy định được bổ sung ĐKKD lại gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Có một điều rất đáng quan ngại. Đó là trong khi có những bộ cắt giảm ĐKKD thì những ĐKKD bị cắt giảm ấy lại được bộ khác đưa vào", ông Hiếu nói. Lấy ví dụ về một số quy định trong Nghị định 49, quy định về yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục. Nghị định này yêu cầu cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục phải có ít nhất 10 kiểm định viên, có trụ sở ổn định hai năm, có phòng làm việc cho mỗi kiểm định viên tối thiểu 8 m2…
"Quy định này cứ như cho các trường mẫu giáo. Nó là các ĐKKD mà các bộ đã bãi bỏ thì lại xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục", ông Hiếu nói và kết luận: "Bãi bỏ ĐKKD chỉ là một phần nhỏ nhưng phải xem xét lại chất lượng pháp luật mới là vấn đề".