Chiều nay, với 91,55% ĐB có mặt biểu quyết tán thành, QH đã thông qua luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Theo quy định, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Luật quy định nhiều thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước như: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; Hoạt động của Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển báo chí, xuất bản, in, phát hành, bưu chính, viễn thông và Internet, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng… để phục vụ quốc phòng, an ninh.
Thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng thuộc diện phạm vi bí mật nhà nước.
Căn cứ tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: Tuyệt mật, tối mật và mật.
Trong đó, bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật" là bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bí mật nhà nước độ "Mật" liên quan đến lĩnh vực quy định tại khoản 2 điều 8, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Với 5 chương, 28 điều, luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực từ 1/7/2020.