Từ những khu rừng ở Myanmar đến đường phố Hong Kong, cảnh sát khắp châu Á chiến đấu chống lại methamphetamine, hay còn gọi là ma túy đá.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy họ đang thua. Nhu cầu thuốc phiện tăng cao tới mức ma túy đá trở thành lựa chọn phổ biến, bất kể khu vực, tầng lớp, độ tuổi và giới tính.
Ông Jeremy Douglas, chuyên gia 16 năm kinh nghiệm tại Văn phòng Liên Hợp Quốc về Phòng chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) khu vực Đông Nam Á, nói rằng ông chưa bao giờ chứng kiến nhu cầu lớn như hiện tại và nguồn cung của nhu cầu đó xuất phát từ Đông Nam Á.
Theo ông, chỉ trong vòng 5 tháng đầu 2018, số vụ triệt phá ma túy ở Malaysia và Myanmar đã vượt quá tổng số vụ năm 2017.
"Không có gì sánh được với tình trạng hiện tại. Quá sức tưởng tượng", ông nói với CNN.
Tuy nhiên, tội phạm có tổ chức không phải là chuyện lạ ở Đông Nam Á. Zing.vn dịch bài viết của ông Jeremy Douglas, đại diện khu vực của UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, trên CNN.
Mục tiêu xa vời và nền kinh tế lợi nhuận "khủng"
Cách đây 20 năm, các nhà lãnh đạo thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí giải quyết tình trạng gia tăng của nền kinh tế ma túy bất hợp pháp và ký tuyên bố chung hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN "không ma túy".
Dù vẫn là mục tiêu để tiến tới, điểm đích giờ càng xa vời hơn bao giờ hết, và đây không phải là điều bất ngờ. Những người hỗ trợ chính phủ các nước xử lý tội phạm có tổ chức đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu cảnh báo và tình hình đang tệ đi nhanh chóng.
Mạng lưới tội phạm từ châu Á vươn ra quy mô toàn cầu, kiểm soát dòng tiền khổng lồ đang tiếp tục mở rộng. Trong khi đầu tư nhiều vào hoài bão phát triển hạ tầng và thương mại xuyên biên giới, chính phủ các nước lại không dành sự chú ý tương tự tới an ninh công cộng và an sinh xã hội.
Trong bối cảnh các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia giờ kiểm soát ngành công nghiệp hàng tỷ USD và gây ảnh hưởng chưa từng có từ trước đến nay, có thể nói một phần khu vực ASEAN đang đứng trước nguy cơ bị chiếm đoạt.
Những ngành công nghiệp bất hợp pháp chính bao gồm buôn người và buôn lậu gỗ, động vật hoang dã, hàng giả và thuốc giả. Những hành vi trên gây ra hậu quả khôn lường đối với người dân, các cộng đồng và môi trường, nhưng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho mạng lưới tội phạm.
Dẫu vậy, sản xuất và buôn lậu ma túy trái phép mới là ngành sinh lời nhất ở Đông Nam Á, giá trị tới 40 tỷ USD/năm. Doanh thu của tội phạm có tổ chức giờ đây còn vượt cả GDP của nhiều quốc gia trong khu vực.
Thống trị Đông Nam Á
Dù nạn sản xuất và buôn bán ma túy ở Đông Nam Á vẫn bao gồm trồng cây thuốc phiện, nhưng ma túy đá và ma túy tổng hợp đang ngày phổ biến, chiếm ưu thế trong nền kinh tế bất hợp pháp này.
Đáng lo ngại nhất là khi khu vực này trở thành "thủ phủ" cung cấp ma túy cho nhiều vùng khác. Bắc Myanmar và Tam giác Vàng (địa bàn biên giới ba nước Lào, Thái Lan và Myanmar) là nguồn cung ma túy đá cho Australia. Fentanyl, chất ma túy có tác dụng giảm đau cực mạnh xuất hiện ở Mỹ hay Canada, cũng bắt nguồn từ nhiều khu vực phía đông và đông nam châu Á.
Việc các tổ chức tội phạm ngày càng chuyên nghiệp, đổi mới, đã thúc đẩy xu hướng bành trướng. Những ngày quân phiến loạn chất ma túy lên lưng những con la vượt đường rừng núi đã là dĩ vãng.
Ngày nay, tội phạm buôn lậu đổ mọi thứ vào ma túy tổng hợp vì lợi nhuận "khủng", giả mạo giấy tờ vượt biên, tận dụng công nghệ cho các thương vụ trung gian và sử dụng các phương tiện hậu cần tiên tiến để vận chuyển hàng. Các băng đảng có thể nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất và lợi dụng cơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh trong khu vực để kết nối thị trường.
Một phần vấn đề nằm ở chỗ trong khi các tổ chức tội phạm xuyên biên giới đang mở rộng nhanh chóng về cả phạm vi và độ phức tạp, những cơ quan chức năng chịu trách nhiệm kiểm soát tệ nạn lại không được cải tiến.
Các cơ quan an ninh công cộng ở Đông Nam Á vẫn nặng về quân sự, không được huấn luyện đầy đủ và thiếu cả kinh phí cũng như khung hợp tác khu vực để đẩy lùi tội phạm có tổ chức.
Họ cũng quá bận rộn với việc duy trì trật tự và luật pháp để có thể đuổi theo những mạng lưới quốc tế phức tạp. Những cơ quan này được thiết lập vào thời điểm mà tội phạm chỉ hoạt động ở địa phương nên họ không thể theo kịp thời đại.
Tổ chức tội phạm châu Á cũng lợi dụng cả hệ thống tài chính gắn kết chặt chẽ nhưng được quản lý lỏng lẻo để rửa tiền qua các nền kinh tế hợp pháp.
Quy mô và thế lực ngày càng rộng của nhóm tội phạm có tổ chức xuất phát từ châu Á cần được suy ngẫm một cách nghiêm túc.
Những vụ triệt phá đường dây buôn lậu hàng tấn thuốc phiện tổng hợp xảy ra hàng tuần cả trong Đông Nam Á và từ khu vực này tới các nơi khác. Tuy nhiên, các "chiến thắng" trong việc thi hành luật không phá vỡ được mạng lưới đằng sau nhiều phi vụ — các tay buôn đơn giản chỉ coi việc đó giống như mất hàng tồn kho. Sự thật là chính phủ các nước trong khu vực không nhận thức đầy đủ tầm nghiêm trọng của mối đe dọa đối với thượng tôn pháp luật và sự ổn định lâu dài.
Các băng đảng tội phạm xuyên quốc gia đang phá hoại cuộc sống của vô số người dân châu Á, và chúng dùng sức mạnh tài chính để làm mục nát cũng như hạ thấp nền pháp trị.
Trong lúc đó, các cơ quan hành pháp không đủ khả năng giải quyết mối đe dọa ngày càng lớn, lãnh đạo trong khu vực không nhận thức được quy mô của vấn đề còn cộng đồng quốc tế bận rộn với nhịp độ nhanh của vòng xoáy tin tức.
Thẳng thắn mà nói, điều cần thiết ngây bây giờ là khẩn trương chung sức nỗ lực. Nếu được tự do tung hoành thêm một thời gian nữa, các tổ chức tội phạm có thể sẽ thống trị nhiều khu vực ở Đông Nam Á.