Trump cáo buộc Nhật Bản tiến hành thương mại không công bằng, trong đó thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản là khoảng 100 tỷ đô la. Ở đây đề cập chủ yếu đến các sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.
Nhật Bản đang tràn ngập thị trường Mỹ với hàng triệu chiếc xe, trong khi đồng thời đóng cửa thị trường của họ đối với sản phẩm cùng dòng từ Mỹ, Trump phàn nàn. Một năm trước, tuyên bố của Trump trong chuyến thăm Nhật Bản có lẽ làm cho giới sản xuất Nhật Bản rơi vào cơn sốc. Ông kêu gọi họ tăng sản lượng sản xuất tại Hoa Kỳ, dường như Tổng thống Mỹ không nắm thông tin: Honda, Toyota và Suzuki đã mở nhà máy lắp ráp đầu tiên của họ tại Hoa Kỳ vào đầu những năm 1980. Và giờ đây, các công ty Nhật Bản ở Bắc Mỹ sản xuất trung bình khoảng 4 triệu xe mỗi năm. Đây là gần 75% tổng số xe ô tô Nhật Bản được bán tại Mỹ. Trong số này, một nửa số lượng xe do một chục nhà máy Toyota đặt tại Hoa Kỳ sản xuất. Ngay cả trước chuyến thăm Nhật Bản của Trump, Toyota và Mazda đã công bố việc xây dựng một nhà máy khác ở bang Alabama với sản lượng 300.000 xe mỗi năm.
Ông Tsukuda Yoshio từ Tsukuda Mobility Research Institute chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô khẳng định: "Xe hơi của Mỹ không được bán ở Nhật Bản bởi vì các tập đoàn Mỹ không nỗ lực hết sức. Tại Nhật Bản, không có thuế hải quan hoặc các rào cản khác để nhập khẩu ô tô". Theo ông Tsukuda, trong khi xây dựng nhà máy ở Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã tạo ra khoảng 1,5 triệu việc làm.
Vào tháng 5, theo sáng kiến của Trump, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều tra tác động của việc nhập khẩu xe hơi đối với an ninh quốc gia. Theo số liệu của Bộ, trong 20 năm qua, nhập khẩu xe hơi tại Hoa Kỳ tăng từ 32% lên 48%, trong khi việc làm dành cho công dân Mỹ trong ngành công nghiệp ô tô giảm 22%. Các nhà xuất khẩu Nhật Bản lo ngại rằng kết quả nghiên cứu này có thể dẫn đến việc áp dụng mức thuế mới về nhập khẩu ô tô và phụ tùng linh kiện. Tuy nhiên, Nhật Bản không có ý định đầu hàng.
Tổng thư ký Nội các Suga Yoshihide nói rằng Nhật Bản không có ý định hy sinh lợi ích quốc gia trong đàm phán thương mại với Hoa Kỳ.
Những tranh chấp gay gắt về xe hơi Nhật Bản ở Mỹ đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, lúc nguội dần, lúc nóng bỏng, như người đứng đầu Trung tâm Truyền thông chiến lược Dmitry Abzalov nhắc nhở: "Cuộc chiến" xảy ra trong một thời gian dài, và hiện tại Nhật Bản có những dấu hiệu báo động mới. Chính sách bảo hộ của Trump đặt ra mối đe dọa cho liên minh của hai nước. Ví dụ như việc áp đặt biểu thuế mới về thép và nhôm vì lý do an ninh quốc gia là một bất ngờ khó chịu đối với Abe, và gây ra mối quan ngại ngày càng tăng ở Nhật Bản. Sự bất đồng sâu sắc vẫn tồn tại trên các vấn đề khác ảnh hưởng đến cán cân thương mại song phương".
Valery Kistanov, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại IFES nói rằng: mặc dù có sự quan tâm lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề chính sách đối ngoại, khả năng Abe có thể "làm mềm mỏng" lập trường của Trump về các vấn đề thương mại là không lớn: Để đổi lấy việc mở cửa thị trường Mỹ cho xe ô tô Nhật Bản, Trump dự định tiếp cận thị trường Nhật Bản cho các sản phẩm nông nghiệp. Nhật Bản có một thị trường nông nghiệp khổng lồ được bảo vệ bởi một loạt lại thuế bảo hộ cao, và Trump tại các cuộc đàm phán sẽ buộc Abe phải loại bỏ những rào cản này".
"Chưa có ai thành công trong việc đạt được sự phục hồi kinh tế với sự giúp đỡ của chủ nghĩa bảo hộ công khai ",- Giáo sư HSE Alexey Portansky nói.
"Chính sách của Trump đối với ngành công nghiệp ô tô Mỹ là cực kỳ bất lợi, vì một số linh kiện được sản xuất và lắp ráp ở nước ngoài, và bây giờ nhập khẩu vào nước này phải chịu thuế tăng. Chúng ta sống trong một nền kinh tế toàn cầu, nơi các quan hệ thương mại và các chuỗi sản xuất đã định hình và lớn khổng lồ. Ví dụ, khi thảm họa Fukushima xảy ra, hầu như tất cả các nhà máy ô tô ở Đức đều dừng lại, bởi vì phụ tùng linh kiện được cung cấp từ Nhật Bản. Cần thiết phải tìm kiếm sự thỏa hiệp và thương lượng".
Cho đến nay, thực tế ở Nhật Bản là những chiếc xe Mỹ chỉ được mua bởi những người hâm mộ thực sự, còn xe Nhật Bản ở Mỹ đều đã và vẫn là dòng chính. Đồng thời, theo Reuters, không một ai trong số các nhà sản xuất ô tô Mỹ yêu cầu Trump về các biện pháp bảo hộ.