Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng uống rượu bia là "văn hóa". Từng có nhiều năm gắn bó với công việc phòng chống tác hại rượu bia, bà đánh giá như thế nào về quan niệm này?
Trước tiên tôi cho rằng ngày nay không còn nhiều người cho rằng uống rượu bia là "văn hóa", mà có lẽ chỉ là số ít, số ít này muốn cổ súy bảo vệ cho một sản phẩm gây bệnh tật và những hệ lụy kinh tế và xã hội nặng nề, từ gây tai nạn giao thông, đâm chém nhau thậm chí ngay trên bàn rượu bia, bạo lực gia đình sau khi uống rượu, giảm năng suất lao động… Ngay cả những thứ được coi là tập tục, văn hóa thậm chí rất lâu đời, nhưng không còn phù hợp với hiện tại thì cũng cần phải thay đổi hoặc bỏ.
Với một đất nước mà đi đâu cũng thấy người uống bia rượu và say xỉn thì đất nước đó sẽ không thể phát triển. Tôi tin không một Chính phủ nào muốn đất nước của mình như vậy.
Bà có thể chỉ ra những tác hại của rượu bia (đặc biệt đối với giới trẻ nước ta hiện nay) và những cảnh báo được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và các tổ chức khuyến cáo?
Bằng chứng khoa học quốc tế đã cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, và là một trong 4 yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm. Chất cồn có trong rượu, bia là chất gây nghiện, đã được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ảnh hưởng sức khỏe tới bản thân người sử dụng, sử dụng rượu bia còn gây ra nhiều hệ lụy về mặt kinh tế, xã hội bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, và gia tăng khoảng cách giàu nghèo…
Việc sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại. Theo Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008, tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên (14-25 tuổi) là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ; theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 do Cục Y tế dự phòng — Bộ Y tế thực hiện cho thấy có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần.
Sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên gây ra nhiều hệ lụy: mắc nghiện sớm hơn, khó bỏ hơn, sức khỏe/khả năng lao động ảnh hưởng sớm, ảnh hưởng tới giống nòi.
Nghiên cứu gần đây của Viện Chiến lược, chính sách Y tế cho thấy 11% hộ gia đình xảy ra bạo lực gia đình liên quan tới rượu bia mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em; 14% gia đình có trẻ đã phải chịu ít nhất một trong năm tác hại liên quan đến sử dụng rượu/bia của người khác bao gồm bị đánh đập, bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc của người lớn, gia đình không có tiền để chi cho các nhu cầu thiết yếu cho trẻ do thành viên hộ gia đình sử dụng rượu, bia gây ra.
Một nghiên cứu của HealthBridge trên số liệu điều tra quốc gia về mức sống dân cư năm 2010 cho thấy thành viên gia đình ở các hộ có người uống rượu bia thường xuyên ít được đầu tư về dinh dưỡng, chăm sóc y tế và giáo dục so với thành viên các hộ không có người uống rượu bia. Trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống 2 cốc rượu bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này uống chưa đến 1 cốc sữa/năm. Nếu số tiền mua rượu bia ở các gia đình này được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống 1 cốc sữa/3 ngày thay vì ít hơn 1 cốc sữa/năm.
Việc gần đây các cơ quan chức năng cũng đã nhận thấy những tác hại của rượu bia do đó đã đưa ra những thông điệp "uống có trách nhiệm", "ứng xử đúng mực khi uống rượu bia, đã uống rượu thì không lái xe…", theo bà những thông điệp này có đủ sức để ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu bia như hiện nay?
"Uống có trách nhiệm" là một khái niệm mập mờ vì không ai có thể xác định thế nào là "uống có trách nhiệm" và đâu là ngưỡng. Những tác động của rượu bia lên hệ thần kinh diễn ra chậm hơn và kéo dài hơn thời gian sử dụng. Người uống khi cảm thấy bắt đầu có dấu hiệu say để dừng thì lượng cồn thực tế đã nạp vào dạ dày và lưu thông trong máu sẽ vẫn tiếp tục tác động đến hệ thần kinh và tình trạng say rượu sẽ xảy ra cả sau khi người uống đã dừng uống. Nói cách khác, một khi đã uống thì người uống sẽ không kiểm soát nổi bản thân nên không thể nói đến trách nhiệm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh chính sách rượu bia toàn cầu (GAPA) cũng đã khuyến cáo các biện pháp được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp rượu bia như chiến dịch "uống có trách nhiệm" là không có hiệu quả và sẽ không làm giảm tác hại.
Một lần nữa cũng cần nhấn mạnh do rượu, bia có thể gây nghiện nên không thể chỉ dùng biện pháp tuyên truyền mà còn phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế tính sẵn có rượu, bia để từ đó hạn chế việc tiếp cận và tiêu dùng.
Xin cảm ơn bà!