Ngày 23-11, tại Trung tâm Y học lazer thuộc "Trung tâm Khoa học Y học lazer Quốc gia mang tên O.K. Skobelkin thuộc Cơ quan Y sinh Liên bang Nga" đã diễn ra buổi giới thiệu về công nghệ lazer, những phương pháp chữa trị bằng lazer tiên tiến của Nga được ứng dụng trong chữa trị nhiều bệnh khác nhau cho đoàn các bác sĩ Việt Nam đến từ Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công An. Đặc biệt, các bác sĩ Việt Nam được giới thiệu về liệu pháp quang học, về chất photoditazine — phát minh của các nhà khoa học Nga và việc sử dụng chúng thành công trong chữa trị rất nhiều dạng bệnh ung thư.
"Chúng tôi nhận thấy những công nghệ sử dụng lazer trong chữa trị rất nhiều bệnh khác nhau được giới thiệu hôm nay là rất hay. Chúng tôi quan tâm tới vấn đề hợp tác với phía Nga, bao gồm cả việc đưa các bác sĩ sang Nga học hỏi, nắm vững việc sử dụng để có thể ứng dụng ở Việt Nam. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi và một đồng chí đại tá — bác sĩ cấp cứu trong đoàn được các chuyên gia Nga dạy cho về chiến tranh sinh học, chiến tranh nguyên tử, cách tổ chức quân y viện. Và bây giờ, trở lại nước Nga lần này sau gần 40 năm để bàn về vấn đề hợp tác, chúng tôi cho đó là một cái duyên. Và hy vọng rằng hai bên sẽ hợp tác thành công, hiệu quả", — PGS-TS, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Bình, PGĐ Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công An, nói với Sputnik.
Trong những ngày này, đoàn các bác sĩ của Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công An đang có chuyến thăm, là việc tại Liên bang Nga. Hiện nay, nhiều công ty công nghệ cao của Nga đang thực sự quan tâm tới hợp tác với Việt Nam.
"Ý tưởng làm việc với Việt Nam chín muồi từ lâu. Chúng tôi đã làm việc lâu năm với Việt Nam, trước hết là với Bộ công an. Còn bây giờ chúng tôi muốn mở rộng hợp tác hơn, muốn mở rộng các đối tác, muốn đưa vào Việt Nam những công nghệ cao mới, đặc biệt. Trong hướng này, chúng tôi hợp tác cùng kết hợp với các viện và trung tâm khoa học uy tín của Nga, như Trung tâm đào tạo các nhà du hành vũ trụ, các trung tâm y khoa sử dụng công nghệ cao có khả năng chữa trị nhiều bệnh nhân. Thứ Ba ngày 27-11 chúng tôi sẽ làm việc với đoàn các bác sĩ của Việt Nam", — Ông Andrey Yakovlev, TGĐ công ty công nghệ "BrainSystems", thành phố Sankt — Peterburg, nói với phóng viên của Sputnik.
Những chương trình làm việc như trên nằm trong khuôn khổ Dự án "Nga — Việt Nam: nền kinh tế mới" và Dự án "Những công nghệ cao mới của Nga".
"Sau hơn 6 năm thực hiện Dự án "Nga — Việt Nam: nền kinh tế mới", hiện nay, chúng tôi đã chuyển sang một giai đoạn mới, có thể nói, là giai đoạn thực hiện hợp tác cụ thể, bao gồm cả đào tạo chuyên gia cho Việt Nam ngay tại Việt Nam", — bà Liubov Strozaeva, Giám đốc Dự án "Nga — Việt Nam: nền kinh tế mới" và Dự án "Những công nghệ cao mới của Nga" phát biểu với phóng viên của Sputnik.
Dự án "Nga — Việt Nam: nền kinh tế mới" được thực hiện từ tháng 4/2012.
"Sự tăng cường hiểu biết về nhau, về thị trường của nhau của các doanh nghiệp Nga và Việt Nam là rất rõ rệt. Có thể nói, Dự án "Nga — Việt Nam: nền kinh tế mới" mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, chúng tôi đang thực hiện một Dự án mới trong khuôn khổ Dự án nói trên. Đó là "Những công Nghệ cao mới của Nga". Dự án này dành riêng cho Việt Nam. Tại thời điểm này, đã có những công nghệ sẵn sàng được ứng dụng ở Việt Nam", — bà Liubov Strozaeva phát biểu với Sputnik.
Sau Lễ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa đoàn của Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công An và Trung tâm Y học lazer thuộc "Trung tâm khoa học Y học lazer Quốc gia mang tên O.K. Skobelkin thuộc Cơ quan Y sinh liên bang Nga", bà Liubov Strozaeva, Giám đốc Dự án "Nga — Việt Nam: nền kinh tế mới" và Dự án "Những công nghệ cao mới của Nga" đầy lạc quan chia sẻ với phóng viên Sputnik:
"Giữa tháng 12-2018 chúng tôi sẽ có một đoàn các công ty công nghệ cao sang Việt Nam. Lần này, chúng tôi sẽ ký một số thỏa thuận hợp tác ứng dụng một số công nghệ cao mới của Nga. Kèm theo thỏa thuận về đào tạo chuyên gia cho Việt Nam. Tức là, phía Nga không chỉ đơn thuần giới thiệu về các công nghệ tiên tiến, có giá trị ứng dụng thực tiễn lớn, mà sẵn sáng tổ chức giảng dạy, đào tạo cho các chuyên gia Việt Nam. Đây là một công việc đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Tôi muốn nhấn mạnh một điều nữa là, các chuyên gia Nga sẵn sàng sang Việt Nam để đào tạo cho phía Việt Nam tại các cơ sở của Việt Nam".