Bữa tối Donald Trump- Tập Cận Bình: Quá nhiều màu xám

© AP Photo / Alex BrandonDonald Trump và Tập Cận Bình
Donald Trump và Tập Cận Bình - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ngay trước bữa tối làm việc của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc, cả hai đều cho thấy tín hiệu không tích cực, baodatviet.vn cho biết.
Trước khi khai mạc G20, căng thẳng diễn ra giữa các đồng minh phương Tây - Sputnik Việt Nam
Trước khi khai mạc G20, căng thẳng diễn ra giữa các đồng minh phương Tây

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có bữa tối làm việc bên lề Hội nghị G20 tại Buenos Aires, Argentina vào ngày 1/12, đem theo kì vọng về sự chấm dứt của chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên, cả hai bên đều phát đi tín hiệu không nhiều tích cực trước cuộc gặp.

Phía Mỹ, Tổng thống Trump và nhiều quan chức gọi cuộc gặp là tín hiệu tốt, là cơ hội cho phép hai bên hướng tới giải quyết bất bình của họ trong cán cân thương mại, tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ với Trung Quốc.

Song ngay cả Tổng thống Mỹ cũng không cho thấy sự lạc quan về cuộc gặp khi không giảm đi những bình luận tiêu cực về Trung Quốc.

Trước khi lên đường tới Argentina, ông nói với các phóng viên rằng Mỹ "đang xúc tiến công việc với Trung Quốc nhưng tôi cũng không chắc là tôi muốn làm điều đó". Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, câu nói đó cho thấy ông Trump đang chuẩn bị cho một kịch bản không có thỏa thuận đạt được tại hội nghị.

Hôm 27/11, cố vấn kinh tế của ông Trump, Larry Kudlow, nói ông và các quan chức chính quyền khác "không thấy" bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền của ông Tập chuẩn bị đưa ra một đề nghị mà Mỹ có thể chấp nhận.

Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng chưa có các tuyên bố mang tính ôn hòa hơn với Washington.

Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, kêu gọi chính quyền Trump "hành động một cách có trách nhiệm".

"Chúng tôi tin rằng chìa khóa cho một giải pháp mà hai bên đều đồng ý trong các vấn đề thương mại là cách tiếp cận cân bằng đối với mối quan tâm của cả hai bên và thú thực cho đến nay tôi chưa thấy Mỹ phản hồi đầy đủ về những quan tâm của chúng tôi.

Chúng tôi không thể chấp nhận việc một bên cứ đưa ra rất nhiều đòi hỏi và bên còn lại phải đáp ứng tất cả những điều đó" — Đại sứ Trung Quốc cho hay.

Bữa ăn ngắn ngủi không thể hòa hợp Mỹ- Trung Quốc

Theo cựu đại sứ Mỹ tại Singapore Kirk Wagar, có hai lý do tại sao ông Trump sẽ đồng ý tạm ngừng áp thuế. Thứ nhất Trung Quốc dường như đến bàn đàm phàn với "một số đề xuất thực sự" nhằm xoa dịu căng thẳng với Washington.

Mỹ và Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Chuyên gia: Mỹ không có khả năng gây áp lực vô điều kiện lên Trung Quốc

Thứ hai là áp lực chính trị ngày càng tăng mà ông Trump đang phải đối mặt tại quê nhà: Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đã phải chi hàng tỉ USDS tiền thuế do chính sách thuế cao hơn với Trung Quốc. Điều này dẫn đến hậu quả là các nông trang phá sản, nhiều công ty phải cắt giảm việc làm, đóng cửa nhà máy, ông Wagar cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác cảnh báo rằng ông Trump vẫn có thể mạnh tay tiếp tục áp thuế như kế hoạch vào tháng 1/2019, và cuối cùng là đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

"Ông Trump muốn duy trì tăng thuế như một cách để gây thêm áp lực với Trung Quốc nhằm đi đến một thỏa thuận mà Mỹ mong muốn" —các nhà phân tích thuộc công ty Quản lý Thịnh vượng Pictet viết trong một báo cáo mới công bố.

Trong khi đó, ông Thời Ân Hoằng, người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định rằng, đối với các quan chức và giới phân tích Trung Quốc, yêu cầu của ông Trump đơn giản là quá cao.

"Tại G20, Trung Quốc sẽ phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và tái khẳng định việc sẵn sàng đào sâu và mở rộng cải cách (nội địa).

Tân Cương, Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Chuyên gia: Áp lực Mỹ đối với Trung Quốc chuyển từ lĩnh vực kinh tế sang chính trị

Nhưng ông Trump không muốn nghe những điều này. Ông ấy muốn những nhượng bộ chưa từng có tiền lệ, rất cụ thể và có thể thực hiện được. Về cốt lõi, những nhượng bộ này sẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi phần lớn mô hình kinh tế và các chính sách công nghiệp" — vị chuyên gia Trung Quốc nhận định.

Một cố vấn trong Chính phủ Trung Quốc là ông Pei Changhong, cựu Giám đốc Viện Kinh tế thuộc học viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng, Bắc Kinh nên chuẩn bị một cuộc chiến thương mại với Mỹ vì nó có thể kéo dài trong vài năm tới. Chỉ một cuộc họp ngắn ngủi giữa hai nhà lãnh đạo sẽ khó có thể biến sự khác biệt cơ bản giữa hai quốc gia trở nên hài hòa.

"Chúng ta không nên và không thể chấp nhận các điều kiện mà Mỹ đưa ra để "đình chiến". Cuộc chiến thương mại không thể kết thúc trong 2 hay 3 năm tới và chúng ta cần có sự chuẩn bị cho việc này" — ông Pei Changhong nhận xét.

Dù không có quá nhiều tín hiệu lạc quan song bữa tối làm việc của hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung Quốc vẫn trở thành tâm điểm chú ý ở Hội nghị G-20 bởi việc áp thuế lên Trung Quốc và khiến Bắc Kinh trả đũa có ảnh hưởng kinh tế mạnh mẽ đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện thời, chính quyền ông Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhằm buộc Trung Quốc phải nhượng bộ và tuân thủ theo danh sách những yêu cầu thay đổi chính sách thương mại từ Washington. Trung Quốc đã áp thuế đáp trả lên hàng hóa Mỹ.

Nếu tình hình không có biến chuyển, mức thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ mức 10% hiện tại lên 25% từ tháng 1/2019. Ông Trump cũng từng cảnh cáo sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục không nhượng bộ.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала