Hôm nay (5/12), TAND TPHCM tạm ngừng xét xử bị cáo Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc DAB), Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm') và 24 đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB) để VKSND TPHCM. Phiên tòa xét xử các bị cáo sẽ bắt đầu trở lại vào ngày 7/12 tới đây với phần luận tội của đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa.
Hàng chục hành vi sai phạm nghiêm trọng
Bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) có đến 21 hành vi sai phạm trong thời gian dài để rút ruột DAB hơn 2057 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Bình và đồng phạm còn cố ý làm trái với 6 hành vi, gây thiệt hại cho DAB hơn 1.551 tỷ đồng. Tổng thiệt hại cho DAB là hơn 3.600 tỷ đồng.
Ngoài các hành vi đã nêu trong cáo trạng, bị cáo Bình còn có 6 hành vi vi phạm khác và đang được cơ quan điều tra tách ra xem xét từ tin báo tố giác tội phạm.
Trong việc để tên người thân gồm bố vợ, vợ con mua hàng triệu cổ phần DAB, bị cáo Trần Phương Bình lý giải liên quan tới "yếu tố gia đình" này.
Việc nhờ người thân mua cổ phần và nhận cổ tức thông qua tài khoản thẻ mở tại DAB. Những tài khoản này bị cáo Bình mở cho những người thân. Sau khi tiền cổ tức chuyển vào tài khoản người thân này, bị cáo Bình chỉ đạo họ chuyển về tài khoản của mình.
Bị cáo Vũ ‘nhôm' kêu oan, khắc phục hậu quả
Ngoài ra, bị cáo Vũ và bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB) không đồng tình với cáo buộc hành vi phạm tội đã nêu trong bản cáo trạng. Trong những ngày xét hỏi tại tòa, bị cáo Vũ ‘nhôm' liên tục kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội như bản cáo trạng đã nêu trước tòa.
Theo bị cáo Vũ ‘nhôm', Vũ không biết nguồn tiền 200 tỷ đồng đã vay từ cá nhân bị cáo Trần Phương Bình. Trong các lần trả lời trước HĐXX, bị cáo Vũ ‘nhôm' khẳng định đây là chuyện vay mượn giữa hai cá nhân với nhau, hoàn toàn là giao dịch dân sự.
Điều đáng chú ý trong phần xét hỏi các bị cáo là Vũ đã đề nghị HĐXX cung cấp giấy, bút để được trình bày ngay tại tòa những nội dung mà Vũ cho rằng mình bị oan. HĐXX đã chấp thuận đề nghị này, Vũ ngồi riêng một khu vực trong phòng xử, viết liền một mạch lên 9 trang giấy trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ.
HĐXX thông báo rằng, toàn bộ nội dung này sẽ được xem xét, giải quyết khi nghị án và tuyên vào bản án xác định là có oan hay không. Trong trường hợp có oan thì xem xét trách nhiệm của những người có liên quan đến việc oan sai của bị cáo.
"Ở đây bị cáo còn quyền được HĐXX cho phép trình bày các luận cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Và sau khi luật sư trình bày phần bảo vệ cho bị cáo, bị cáo còn nhiều cơ hội để trình bày trước tòa về hành vi phạm tội của mình", HĐXX giải thích.
Truy trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước
Trong vụ án này, HĐXX đã truy trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc để sai phạm kéo dài suốt 10 năm tại DAB.
Trước HĐXX, đại diện NHNN cho rằng, ở góc độ quản lý đã làm đúng trách nhiệm nhưng vì thủ đoạn của bị cáo Trần Phương Bình và đồng phạm quá tinh vi nên không thể phát hiện ra.
"Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ theo quyết định và kế hoạch đề ra", đại diện NHNN trình bày.
Theo đại diện NHNN, trong vụ việc này đã rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thanh tra phải thanh tra toàn diện chứ không manh mún nhỏ lẻ nữa.
Những ân hận, lời xin lỗi muộn màng
Bị cáo Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc DAB) trả lời tại tòa rằng, suốt nhiều năm liền đã cố che giấu tình trạng, hoạt động thua lỗ của DAB. Trong thời gian tạm giam, bị cáo suy nghĩ rất nhiều về hành vi của bản thân cũng như các thuộc cấp của mình. Họ vì tin tưởng lãnh đạo nên mới vướng vào vòng lao lý.
"Bị báo ân hận khi đưa cấp dưới vào vòng lao lý. Bị cáo xin lỗi đến tất cả các bị cáo của DAB ở đây", bị cáo Bình trả lời.
Một cựu lãnh đạo DAB khác bà bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu phó tổng DAB) cũng bày tỏa rất ân hận khi gây ra sai phạm và kéo thuộc cấp cùng phạm tội. "Bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến các bị cáo khác", bị cáo Xuyến nói.