Đối với Hoàng Công Lương, theo cáo trạng, bị cáo Lương là người có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật thận nhân tạo; có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Hoàng Công Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2; biết rõ nội dung sửa chữa và thời gian cụ thể ngày 28.5.2017 sửa chữa hệ thống RO số 2.
Trong sự cố ngày 29.5.2017, Hoàng Công Lương là bác sĩ duy nhất trong 3 bác sĩ được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Vì vậy, Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh ngày 29.5.2017.
Sáng 29.5.2017, khi mới nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường và chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng, nhưng Hoàng Công Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và bác sĩ Phạm Thị Huyền. Điều này dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Các bị cáo Trương Quý Dương, Trần Văn Sơn, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng, Đỗ Anh Tuấn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự 1999.
Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 Điều 98 Bộ luật hình sự 1999.
Sự cố nghiêm trọng ở BV đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra ngày 29.5.2017, khi đó có 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đột ngột có dấu hiệu bất thường.
Sau đó, 8 người lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về BV Bạch Mai, Hà Nội điều trị. Đến ngày 10.2.2018, nạn nhân thứ 9 tử vong.
Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến các bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình và đã tiến hành đã khởi tố vụ án.