Cuộc tập trận này là một ví dụ mới về việc hai nước đang quay trở lại với các mối quan hệ quân sự bình thường sau năm 2017, khi những mối quan hệ này đã bị phá vỡ đột ngột, tờ báo Ấn Độ The Diplomat nhận xét. Cuộc gặp tại Vũ Hán vào tháng 4 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho thấy rằng, hai nhà lãnh đạo đang nỗ lực khôi phục quan hệ song phương sau cuộc đối đầu năm 2017, bài báo ghi nhận.
Năm nay, lãnh đạo của hai nước đã gặp nhau bốn lần. Và cuộc tập trận chống khủng bố hiện thực hóa một thỏa thuận mà họ đã đạt được. Chiều dài đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc là lớn thứ chín trên thế giới. Trước đây, trên đường biên giới thường xuyên xảy ra những xung đột. Một tình huống xung đột nghiêm trọng gần đây nhất đã xảy ra vào mùa hè năm ngoái ở Doklam. Bây giờ hai nước đang đàm phán về việc lập ra đường dây nóng để ngăn chặn những tình huống như vậy, truyền thông Ấn Độ cho biết.
Vào ngày 24 tháng 11, tại tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc) đã tổ chức cuộc gặp lần thứ 21 của các đặc phái viên Trung Quốc và Ấn Độ. Thành viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi và Cố vấn của Thủ tướng Ấn Độ về An ninh Quốc gia Aji Doval đã kêu gọi tăng cường nỗ lực tìm giải pháp cho các vấn đề biên giới. Trước đó, tại Diễn đàn Quốc phòng lần thứ 9 ở New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Sanjay Mitra và Thiếu tướng Shao Yuanming, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã thảo luận về mối quan hệ song phương, liên hệ quân sự, hoạt động biên phòng và các vấn đề khu vực và quốc tế.
Chuyên gia Natalia Zamaraeva từ Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận xét rằng, cuộc tập trận lần này là một sự kiện mang tính biểu tượng định hình mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ trong năm 2018:
Cuộc chiến chống khủng bố là một chương trình chung mà SCO đã thông qua. Và cuộc tập trận Trung-Ấn nên được xem xét trong bối cảnh này. Một nội dung quan trọng khác của cuộc tập trận là việc giải quyết các vấn đề trong khu vực. Trung Quốc làm trung gian trong quá trình giảm căng thẳng, ví dụ, giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa Pakistan và Hoa Kỳ. Ngoài ra, cuộc tập trận chống khủng bố được tổ chức trước thềm vòng đàm phán mới giữa Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan về việc giải quyết cuộc xung đột nội bộ Afghanistan, mà ở nước này ghi nhận nhiều cuộc tấn công khủng bố. Do đó, các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ là một bước tiến tới việc giảm căng thẳng trong khu vực.
Cuộc tập trận chống khủng bố của Trung Quốc và Ấn Độ lần trước đã được tổ chức vào năm 2016. Năm ngoái hai nước đã hủy bỏ hoạt động này do cuộc xung đột biên giới. Năm nay sẽ tiến hành cuộc tập trận "Tay trong tay" lần thứ bảy, điều đó cho thấy rằng, Trung Quốc và Ấn Độ đang khôi phục mối quan hệ liên quân đội. Đồng thời, cuộc tập trận chống khủng bố là một dự án hợp tác quân sự cấp thấp hơn, vì tham gia hoạt động này chủ yếu là các đơn vị bộ đội lục quân với chức năng cảnh sát. Mỗi bên gửi khoảng 100 người, đây chỉ là diễn tập cấp đại độ.
Mặc dù quân đội Trung Quốc và quân đội Ấn Độ bắt đầu khôi phục lại quan hệ, nhưng, mức độ hợp tác vẫn là khá thấp. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, mối quan hệ giữa quân đội hai nước đang phát triển theo hướng tích cực. Sau cuộc gặp tại Vũ Hán vào tháng Tư năm nay giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai nước đã nối lại liên hệ trong nhiều lĩnh vực, mà không chỉ trong việc tổ chức diễn tập chống khủng bố. Ví dụ, hai bên đã nối lại hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước trên các dòng sông xuyên biên giới, đây là một dấu hiệu tích cực về việc khôi phục mối quan hệ Trung —Ấn.
Trước cuối năm nay sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng khác giúp củng cố sự tin cậy giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là một diễn đàn cấp cao. Như dự kiến, diễn đàn song phương mới này sẽ được tạo ra trong thời gian chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi.