Bộ TT&TT vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng bộ "Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam", trong đó có nhiều quy định mang tính bắt buộc "phải/không được…" đối với hầu hết người sử dụng MXH.
Bên cạnh việc đồng tình với một số nội dung trong bộ quy tắc, nhiều ý kiến góp ý cho rằng có những quy định sẽ khó thực hiện trên không gian ảo.
Có cả cấm đoán và gợi ý
Tổng quan về sự cần thiết của bộ quy tắc, đơn vị soạn thảo cho hay: Thông tin xấu, độc hại như các phát ngôn nói xấu, phỉ báng, thông tin sai trái có tính chất chính trị, tin giả, quảng cáo tràn lan, sai sự thật, thông tin không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa…. tràn lan trên mạng nên cần hạn chế và cấm đoán nó.
Bộ quy tắc đưa ra những nguyên tắc cụ thể được chia thành hai nội dung: "nên/không nên" và "phải/không được".
Ở phần "nên/không nên", bộ quy tắc nêu: Không có tính ràng buộc về pháp lý mà hướng dẫn, gợi ý khi cung cấp và sử dụng dịch vụ MXH nên hoặc không nên thực hiện.
Đối với đối tượng cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước, bộ quy tắc này ngoài việc đưa ra những điểm nên cũng đưa ra các vấn đề không được như: Ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên MXH. Ứng xử trên MXH trái với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp. Cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền…
Nên là một chiến dịch truyền thông
Bình luận về bộ quy tắc này, anh Quang Hải (một công chức nhà nước) cho rằng về quản lý hành chính, MXH cũng như email, điện thoại… là đời tư của cá nhân. Hơn nữa, hợp đồng của cơ quan sử dụng lao động với người lao động không có các quy tắc ứng xử như một quy chế ràng buộc thì sao phải cấm đoán, ràng buộc.
"Nếu nói không đăng trong thời gian làm việc chính thức thì được" — anh Hải nói.
Cũng theo anh Hải, tất cả ràng buộc hiện tại chỉ ở mức khai báo thông tin trong lý lịch, nếu yêu cầu khai tên trên MXH, liệu có vi phạm quyền riêng tư của người dân?
"Cơ quan không có quyền kiểm soát nếu lao động có thể kiếm tiền trên mạng, đó là việc của cơ quan thuế" — anh Hải đặt vấn đề.
Ông Trần Nhật Minh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển) thì bày tỏ:
"Tôi ủng hộ việc công khai tên thật trên MXH, bao gồm cả khối nhà nước và các khối khác".
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng vấn đề là Nhà nước có nên can thiệp hay không và liệu can thiệp có hiệu quả hay không. Bởi vì ngoài Facebook thì MXH còn rất nhiều trang khác, nơi mà khi sử dụng tên thật làm nick đã thành một văn hóa.
"Vì vậy cần mục tiêu cụ thể và giải pháp cụ thể, chứ chung chung chống độc hại, lành mạnh môi trường… thì bộ quy tắc này không giải quyết được. Theo tôi, nếu bộ quy tắc này phát huy hiệu quả, sẽ có một lượng mới các tài khoản tên thật nhưng không giảm đi các tài khoản tên ảo và các sinh hoạt trao đổi thông tin ảo, thậm chí còn tạo ra các nick ảo thêm nếu người ta có nhu cầu" — ông Minh nêu ý kiến.
Cạnh đó, ông Minh đưa ra nhận định là bộ quy tắc rất thiếu cơ chế thực hiện hiệu quả.
"Nếu đây là một chiến dịch truyền thông cổ vũ cho việc đàng hoàng công khai trên mạng, biến hành vi dùng nick ảo thành một hành vi xấu, không đàng hoàng sẽ hiệu quả hơn" — ông Minh nói.
Bộ quy tắc ứng xử đưa ra lấy ý kiến dự định áp dụng cho nhà cung cấp dịch vụ MXH; cơ quan nhà nước sử dụng MXH; tổ chức sử dụng dịch vụ MXH; người dân sử dụng MXH và công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước dùng MXH.
Với nhóm công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước phải công khai bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác.
Các cơ quan nhà nước, người đứng đầu hoặc được ủy quyền phát ngôn và cung cấp thông tin chịu trách nhiệm trước những thông tin được đăng tải trên trang MXH của cơ quan nhà nước. Nội dung phải nhất quán với thông tin được cung cấp trên cổng thông tin điện tử chính thức và trên những phương tiện truyền thông khác…