Sáng 15/12, tại TP. Long Xuyên, Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của An Giang vừa diễn ra với chủ đề "An Giang — Kết nối cơ hội, hợp tác thành công".
Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, đối tác quốc tế; các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất vui mừng khi trở về 1 trong những vùng đất huyền thoại, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh, có sức hấp dẫn bậc nhất của vùng ĐBSCL và của cả nước nói chung.
Xét về lịch sử hình thành và phát triển, cha ông chúng ta từng "mưu xa, nghĩ lớn" về nơi đây như 1 vùng biên giới vững chắc về an ninh, sôi nổi về giao thương, hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân.
"Có một điều ngẫu nhiên, thú vị và có lẽ hàm chứa cả sự may mắn cho hôm nay; đó là chúng ta đang cùng nhau sống trong ngày hội bóng đá, với tinh thần thể thao và tinh thần dân tộc thực sự hòa quyện vào nhau.
Tôi có niềm tin và xin chúc mỗi nhà đầu tư đến với An Giang hôm nay đều sẽ tài tình, chính xác và đi đến thắng lợi cuối cùng như một Park Hang Seo trong lĩnh vực kinh doanh", Thủ tướng phát biểu.
Kỳ vọng An Giang dẫn dắt tăng trưởng kinh tế vùng
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế, đặc biệt là đông đảo doanh nhân, nhà đầu tư tham dự hội nghị đầy ý nghĩa này tại An Giang.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý chủ đề hội nghị có hai từ khóa quan trọng: "Kết nối" và "Hợp tác". Ông đề nghị hãy cùng hành động nhất quán theo tinh thần đó.
Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này cho thấy nhiều khả năng 2019 và những năm tiếp theo, An Giang sẽ tiếp tục có những bứt phá quan trọng.
Theo đó, với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy song song gần 100 km, An Giang được thiên nhiên ban tặng phù sa khó có nơi nào sánh bằng. Do vậy, An Giang là vựa cá, vựa lúa, nguồn xuất khẩu nông thủy sản chiến lược, là chỉ dẫn địa lý cho các thương hiệu lúa gạo, cá da trơn…
Tỉnh cần tích cực thu hút đầu tư của những doanh nghiệp tầm cỡ và từ đây phát triển những thương hiệu toàn cầu về nông sản Việt gắn với các yếu tố đặc thù, độc đáo của địa phương.
Kế tiếp, là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang là 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, được kỳ vọng như 4 con tuấn mã dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả vùng. Do vậy, tỉnh cần phải không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư trong đó đặc biệt lưu tâm chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
"Tiềm năng và lợi thế của An Giang là điều không còn bàn cãi, trong hội nghị hôm nay, làm sao có nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đến An Giang đầu tư và tổ chức các hoạt động kinh doanh để tạo ra nhiều của cải cho xã hội trong đó có phần lợi nhuận của doanh nghiệp, công ăn việc làm và thu thập cho người dân và nguồn thu ngân sách cho chính quyền.
Đây không phải là câu chuyện của nhà nước và doanh nghiệp mà đây thực sự là sự chung tay của tất cả các bên liên quan", Thủ tướng phát biểu và tin An Giang sẽ trở thành một trong những hình mẫu thành công trong tư duy phát triển theo chuỗi giá trị và cụm ngành.