Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 75% GDP
Theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2018, thị trường cổ phiếu Việt Nam tăng trưởng vượt bậc về quy mô. Ước đến ngày 31/12/2018, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 75% GDP, so với mức 70,2% GDP của cuối năm 2017. Dù cuối 2018, chỉ số VN-Index dự báo giảm 5,5% so với cuối 2017, song các yếu tố vĩ mô trong nước ổn định, kinh tế tăng trưởng cao và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng vẫn giữ vai trò hỗ trợ cho thị trường.
Cũng theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2018, dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam tích cực. Khối ngoại mua ròng khoảng 1,9 tỷ USD cổ phiếu trên sàn, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn… Tổng giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại khoảng 35,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cuối năm 2017.
Huy động vốn qua đấu giá cổ phần, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2017. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra (Vinalines, FPT, Tổng Công ty Hàng không, Bia Hà Nội, Petrolimex…).
Quy mô thị trường trái phiếu chính phủ đạt khoảng 27% GDP
Trên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), quy mô thị trường đạt khoảng 27% GDP (tương đương với cuối năm 2017). Năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động khoảng 160 nghìn tỷ đồng, đạt 91% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2018. Lãi suất TPCP có xu hướng tăng sau khi tạo đáy vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2018. Năm 2018, khối ngoại bán ròng 1,4 nghìn tỷ đồng TPCP do Fed tăng lãi suất làm giảm chênh lệch lợi suất giữa TPCP Mỹ và Việt Nam.
Trong khi đó, theo nhận định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường TPCP sơ cấp đang đạt được những kết quả bước đầu đối với mục tiêu phát triển các nhà đầu tư dài hạn. Năm 2018, Bảo hiểm Xã hội đã tham gia mua TPCP dưới hình thức đấu thầu. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng tăng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển. Giá trị trúng thầu TPCP của khối bảo hiểm trong năm 2018 chiếm hơn 61% giá trị trúng thầu toàn thị trường, tăng hơn 48% so với 2017.
Quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu tại ngày 15/12/2018 đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2017, tương đương 20% GDP. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,3% so với năm 2017, trong đó giao dịch Repos chiếm 53,8% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quy mô thị trường vẫn còn nhỏ bé, chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng. Thống kê cho thấy, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2018 đạt khoảng 7% GDP, thấp hơn nhiều mức bình quân các nước khu vực (21% GDP), chỉ cao hơn Indonesia (2,9% GDP) và Philippines (6,5% GDP).
Giá trị giao dịch bình quân thị trường phái sinh đạt khoảng 9.400 tỷ đồng/phiên
Theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam mới vận hành từ tháng 8/2017 góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường vốn, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch bình quân thị trường phái sinh đạt khoảng 9.400 tỷ đồng/phiên kể từ tháng 5/2018, cao nhất đạt trên 16.000 tỷ đồng/phiên.
Theo HNX, trong thời gian qua, khối lượng mở OI toàn thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tăng, khối lượng OI của toàn thị trường tại thời điểm ngày 15/12/2018 đạt 19,5 nghìn hợp đồng, gấp 2,35 lần so với phiên giao dịch đầu năm.
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh hiện tại đang có hơn 56 nghìn tài khoản được mở tính đến hết ngày 15/12. HNX và các đơn vị liên quan cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP.