"Nếu được, xin nói rõ cử tri đề xuất thu phí khí thải"
Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản gửi tới một số Bộ, ngành đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí…
Theo giải thích của Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, đề xuất thu phí khí thải này mới chỉ để "nghiên cứu chính sách" và cơ sở của nó là đề nghị từ UBND Thành phố Hà Nội cùng kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, cá nhân ông không đồng tình với với đề xuất thu phí khí thải mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến.
Theo ông Thủy, ông đã tìm hiểu thông qua báo chí được biết UBND Thành phố Hà Nội mới báo cáo về đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Còn lại, Hà Nội chưa có đề nghị cụ thể gì về phí khí thải như Bộ Tài chính thông tin.
"Tôi không hiểu trình độ của cử tri Lào Cai này đến đâu, nhận thức vấn đề như thế nào và có theo dõi các phí, thuế chưa mà lại kiến nghị thu phí khí thải như vậy. Đồng thời, cử tri nào tỉnh miền núi Lào Cai lại tốt đến như vậy, không lo cho địa phương mình mà lại lo nghĩ trước cho Hà Nội, các thành phố lớn về vấn đề khí thải nên đề xuất thu phí. Nếu được có thể nói rõ cho mọi người biết", TS Thủy đặt vấn đề.
Ông nói thêm, cũng rất khẩn trương, Bộ Tài chính đã nhanh chóng nhận ý kiến này của cử tri từ văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển qua và ra văn bản đề xuất các bộ, ngành liên quan cho ý kiến.
"Nếu trong 63 tỉnh mà có cử tri 50 tỉnh kiến nghị thì mới xem xét, đưa lên thành chính sách, nhưng đây mới có 1 tỉnh, lại là miền núi đã tiến hành nghiên cứu. Rõ ràng, không thể thế được", TS Thủy nhấn mạnh.
"Thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu từ 1/1/2019 sẽ tăng kịch trần (lên 4.000 đồng/lít xăng — PV) vẫn đang bị nhiều người phản ứng mà lại thu tiếp phí khí thải thì không thể được. Điều này chẳng khác nào phí chồng phí, thuế chồng thuế.
Một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người của người dân mới hơn 2.200 USD/người/năm lại phải gánh chịu nhiều loại thuế, phí thì khó phát triển. Không thể vì tăng thu cho ngân sách nhà nước mà quên mất đời sống của nhân dân", ông Thủy khẳng định.
Đã đóng thuế môi trường cao nay lại đóng phí khí thải sẽ không hợp lý
TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ thêm, dù thuế bảo vệ môi trường đã được thu thông qua xăng dầu, nhưng thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí… không giảm đi mà theo đánh giá có xu hướng tăng lên.
Vì thế, người dân băn khoăn khi thuế bảo vệ môi trường đã tăng cao nay Bộ Tài chính lại chuẩn bị "nghiên cứu" thêm phí khí thải nữa thì rất bất hợp lý, gây bất bình cho dư luận.
Cụ thể, trong việc quản lý các loại khí thải chưa được quy định chi tiết, dễ dẫn đến phí chồng phí. Điển hình là việc chủ phương tiện giao thông đã phải đóng thuế bảo vệ môi trường khi mua xăng, nếu lại đóng thêm phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ không hợp lý.
Bên cạnh đó, không phải loại hình, động cơ, phương tiện nào cũng xả thải ra môi trường giống nhau. Do đó, theo ông Liên, đối tượng nào phải nộp phí khí thải cần tính toán, lấy ý kiến rộng rãi.
Một chuyên gia kinh tế chỉ rõ, tính riêng mặt hàng xăng dầu, nếu phí khí thải được áp dụng, cùng với các loại thuế, phí khác như thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp… chắc chắn giá xăng dầu sẽ bị đẩy lên.
Việc rất nhiều loại thuế, phí sẽ tạo hệ quả kéo giá thành sản xuất tăng theo bởi đây là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế, dù tăng giá thế nào người dân, doanh nghiệp vẫn phải sử dụng.