Việc thi hành kỷ luật cán bộ đến mức phải ra Trung ương quyết định thì trước tiên phải qua các bước quy trình kiểm tra có dấu hiệu vi phạm, kết luận, đề nghị của Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Cho đến nay, ở cấp này có trường hợp ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM. Ông Cang bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kiểm tra và kết luận có những vi phạm, khuyết điểm "rất nghiêm trọng… đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật". Và trong thông báo công khai đầu tháng 12, cơ quan kiểm tra của Trung ương Đảng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.
Kết luận này dẫn chiếu tới vụ việc lùm xùm trong dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè mà Thành ủy TP HCM đã tự phát hiện trước đó, và cả một số dự án khác từ thời ông Cang còn là giám đốc Sở GTVT.
Về thẩm quyền, Bộ Chính trị có thể thi hành kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo Ủy viên Trung ương có vi phạm, khuyết điểm. Nhưng diễn biến từ sau kỳ họp thứ 32 của Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng như thông tin từ Hội nghị Trung ương 9 đang diễn ra cho thấy ông Tất Thành Cang có thể đối mặt với hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn.
Trung ương 9 có nhiều nội dung quan trọng khác như lấy ý kiến về quy hoạch Ban Chấp hành trung ương khóa XIII, lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thi hành kỷ luật cán bộ… mà chỉ gói gọn trong hai ngày, hôm nay và ngày mai 26-12. "Điều đó cho thấy công tác chuẩn bị của Bộ Chính trị đã rất kỹ càng", nguồn tin am hiểu bình luận.