"Với loại tội đặc biệt nghiêm trọng mà các bị cáo đã phạm thì việc cho hưởng án treo đối với các bị cáo cần cân nhắc một cách thận trọng để đảm bảo yêu cầu phòng ngừa chung và có được sự đồng tình của xã hội"- Tiến sĩ Phan Anh Tuấn phát biểu.
Tranh cãi về việc cho hưởng án treo
Trong vụ án, 4 bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn An Vinh, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành đã có hành vi ký hồ sơ vay vốn khống tại các ngân hàng, ký khống ủy nhiệm chi và các giấy tờ khác, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi phạm tội nên bị xử lý về tội cố ý làm trái. Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên các bị cáo này 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Tòa phúc thẩm nhận định xét về hành vi, 4 bị cáo trên phạm tội với vai trò phụ thuộc, mức độ phạm tội không đáng kể. Xét về thân nhân gia đình các bị cáo có công với cách mạng, hiện nay gia đình các bị cáo hết sức khó khăn. Do đó HĐXX đặc biệt khoan hồng, không buộc các bị cáo chấp hành hình phạt tù mà cho các bị cáo hưởng án treo.
Trái ngược với quan điểm trên, một kiểm sát viên cao cấp đưa ra lập luận cho rằng nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng điều 65 của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 về án treo, có giá trị bắt buộc các tòa án phải tuân thủ trong quá trình xét xử.
HĐXX còn lập luận rằng "nếu không tách ra xét xử thành hai giai đoạn thì các bị cáo này đủ điều kiện hưởng án treo, nên cần giữ nguyên án sơ thẩm về mức hình phạt đối với các bị cáo này". Lập luận này hết sức cảm tính vì đây là hai vụ án xét xử các hành vi phạm tội độc lập với nhau.
Tiến sĩ Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) thì lập luận các bị cáo dù nhập hay tách vụ án để xét xử đều không thể cho hưởng án treo vì vi phạm điều kiện đảm bảo phòng ngừa chung khi áp dụng án treo được quy định tại điều 65 BLHS năm 2015 và được hướng dẫn cụ thể hóa thành trường hợp không cho hưởng án treo quy định tại điều 3 nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018. Nhân thân các bị cáo dù có tốt đi chăng nữa như nhận định của cấp phúc thẩm thì cũng chỉ là một trong những điều kiện để cho hưởng án treo chứ không phải là điều kiện duy nhất.
Sao không buộc BIDV trả 1.633 tỉ đồng?
Đây là câu hỏi được đặt ra sau phần tuyên án của TAND cấp cao đối với vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2. Trong vụ án này, thiệt hại của VNCB là trên 6.126 tỉ đồng do bị các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB tại 3 ngân hàng này.
Đối với số tiền thiệt hại này, trong giai đoạn sơ thẩm, viện kiểm sát đề nghị thu hồi từ 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank để trả cho CB Bank, đồng thời buộc Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi hoàn lại cho 3 ngân hàng.
Tuy nhiên án sơ thẩm tuyên thu hồi theo dòng tiền Phạm Công Danh đã vay và sử dụng, theo đó các tổ chức, cá nhân đã nhận tiền phải hoàn trả cho CB Bank, số còn lại buộc ông Danh phải bồi hoàn cho CB Bank. Cụ thể, BIDV hoàn trả 1.633 tỉ (chi nhánh sở giao dịch 2 trả 1.176 tỉ đồng và chi nhánh Hải Vân trả trên 457 tỉ), Agribank chi nhánh Láng Hạ và chi nhánh Tân Phú hoàn trả trên 33 tỉ đồng, OceanBank chi nhánh Sài Gòn hoàn trả gần 2 tỉ đồng và ông Trần Quý Thanh hoàn trả trên 194 tỉ đồng.
Trong trường hợp giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm thì sẽ dẫn đến BIDV thiệt hại 1.633 tỉ đồng do phải hoàn trả cho CB Bank nên viện kiểm sát đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND tối cao làm rõ hậu quả của việc thu hồi số tiền này cũng như làm rõ trách nhiệm của những người phê duyệt, quyết định cho vay đối với khoản tiền nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của BIDV, tuyên không thu hồi số tiền 1.633 tỉ đồng của ngân hàng này, nhưng bác kháng cáo của các ngân hàng Agribank và OceanBank về những khoản tiền tương tự.
Một chuyên gia đang làm việc trong cơ quan tố tụng lập luận cho rằng: Việc không buộc BIDV hoàn trả số tiền 1.633 tỉ đồng cho CB Bank đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Bởi vì VNCB bị thiệt hại 6.126 tỉ đồng do bị các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng này, thiệt hại này phải được khắc phục. Án sơ thẩm tuyên thu hồi theo dòng tiền Phạm Công Danh đã vay và sử dụng là cần thiết để khắc phục hậu quả.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần tiền tái cơ cấu Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), trả nợ và chi chăm sóc khách hàng nhưng không thể vay tiền của VNCB nên đã dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Sau đó dùng tiền gửi ở các ngân hàng này và một số bất động sản để bảo lãnh cho 29 công ty "sân sau" của ông Danh vay vốn tại 3 ngân hàng trên. Do 29 công ty này không có khả năng trả nợ nên 3 ngân hàng đã thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng này, tổng cộng là 6.126 tỉ đồng.