PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi chia sẻ thông tin trên với báo Đất Việt vào chiều ngày 29/12.
"Việc sản xuất ra nhiên liệu cho máy bay tôi nghĩ là không khó nhưng có lẽ ở đây là bài toán kinh tế bởi có khi nhập lại rẻ hơn nên ưu tiên phân khúc đó. Việt Nam có nguyên liệu thô nên tôi nghĩ khả năng cạnh tranh của mình là có, tiềm năng để sản xuất ra các nhiên liệu đáp ứng cho máy bay là hoàn toàn có. Còn về việc nhiên liệu phụ thuộc vào nước ngoài tôi nghĩ không có gì đáng lo. Đâu có chiếc máy bay nào ngừng hoạt động vì không có nhiên liệu? Nếu hàng không hoạt động hiệu quả, có nhu cầu nhiên liệu thì ta cứ nhập thôi", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nói.
Theo PGS.TS Ngãi, nếu đầu tư sản xuất nhiên liệu máy bay bị kém hiệu quả hơn nhập thì nên chọn nhập.
"Thời kinh tế mở cửa mà cái gì cũng sản xuất trong nước, không nhập khẩu là không tốt, tự cung tự cấp là kém hiệu quả. Còn nếu như mình sản xuất hiệu quả hơn thì tôi đảm bảo nhà máy của mình sẽ làm ngay bởi bây giờ có rào cản gì đâu. Nếu đầu tư sản xuất riêng nhiên liệu cho máy bay trong khi nhu cầu không lớn lắm, bởi vậy bài toán kinh tế đặt ra ở đây là đầu tư như vậy liệu có hiệu quả hay không?", PGS.TS Ngãi cho biết thêm.
Chia sẻ thêm về việc này, cùng ngày, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế — Học viện Tài chính) cho rằng, vấn đề nhiên liệu máy bay liên quan đến kỹ thuật lọc dầu và có rất nhiều vấn đề phức tạp đằng sau kỹ thuật đó.
"Có rất nhiều loại xăng và các chế phẩm khác nhau từ lọc dầu, trong đó chế phẩm xăng dùng cho máy bay là loại xăng nhẹ nhất và là phần khó nhất của sản phẩm lọc dầu bởi nó đòi hỏi kỹ thật cao hơn hẳn những loại khác. Nhiên liệu cho máy bay được bên dầu khí gọi là nhiên liệu cao nhất, tức là xăng nhẹ nhất. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đang có nhà máy lọc dầu và chế biến dầu nhưng khả năng sản xuất và đáp ứng nhiên liệu cho máy bay cũng như các loại động cơ cao cấp khác thì lại thiếu. Đây là bài toán khó mà có thể phải nhiều năm sau mới nâng cấp được để đáp ứng xăng dầu cho ô tô và các loại động cơ khác", PGS.TS Thịnh cho biết.
Theo PGS Thịnh, hệ thống máy móc trong các nhà máy lọc dầu của Việt Nam chưa phát triển được như các nước khác. Trong khi đó, để sản xuất được nhiên liệu cho máy bay lại đòi hỏi 1 công nghệ cao và yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật, chi phí đầu tư cũng tương đối lớn.
Cũng theo PGS Thịnh: "Thứ nhất, nếu muốn nhập dây chuyền để làm nhiên liệu máy bay thì phải nắm được dây chuyền đó thế nào, giá cả ra sao, nguồn gốc ở đâu rồi còn bao nhiêu vấn đề khác.
Thứ 2, nếu nhập dây chuyền đó về thì phải tính toán sản xuất ra bao nhiêu xăng, bao nhiêu dầu và đáp ứng thị trường thế nào để từ đó mới tính toán xem hiệu quả đầu tư cao hay thấp, chứ không đơn giản, bảo làm là làm được ngay. Bởi vậy, tôi nghĩ, trước mắt, Việt Nam còn phải nhập nhiên liệu máy bay khá lâu nữa".
Nói về việc Việt Nam phụ thuộc vào nhiên liệu nhập, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng gặp vấn đề này. Đó là những nước không tự sản xuất được xăng dầu đáp ứng mọi nhu cầu trong nước trong khi ngành hàng không đang ngày càng phát triển.
"Việc phát triển ngành hàng không trong thời gian tới cần được tính toán xem xét có nên đầu tư các dây chuyền công nghệ để sản xuất ra các loại xăng cao cấp hay không, đặc biệt nhiên liệu dùng cho máy bay. Đó cũng được coi như bài toán đặt ra cho ngành chế biến xăng dầu. Trong tương lai gần cũng cần phải tính đến việc cải tổ hàng loạt các ngành công nghiệp hay chế phẩm", Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế cho biết thêm.
Như đã đưa tin, nhu cầu nhiên liệu máy bay của Việt Nam sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm tới khi ngành du lịch trong nước đang thu hút một làn sóng du khách mới.
"Nhu cầu hàng không tại Việt Nam đang bùng nổ… Tiêu thụ nhiên liệu tại Việt Nam sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới", ông Trần Hoài Nam, Phó chủ tịch của Vietjet nhận định. Ông nói thêm, sự tăng trưởng lượng khách nước ngoài vào Việt Nam là cao nhất ở Đông Nam Á, tăng 8,7% mỗi năm.
Theo dữ liệu của Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex, Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 18 triệu thùng nhiên liệu máy bay mỗi năm.
Việc nhập khẩu nhiên liệu máy bay phản lực Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh do cả nước chỉ có hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn.
Peter Lee, một nhà phân tích tại Fitch Solutions Macro Research cho biết, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất xăng và dầu diesel, và do đó, năng suất nhiên liệu máy bay tương đối thấp, chỉ ở mức 5%.