Theo thống kê chính thức, các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2018 của Việt Nam đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Hơn thế, các kết quả đạt được còn rất ấn tượng với tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm qua, trong khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát thấp.
Tuy nhiên, theo xếp hạng năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam lại tụt hạng so với năm 2017 và chỉ số chứng khoán VN-Index kết thúc năm chỉ có 893 điểm so 981 điểm vào cuối năm 2017.
Thêm vào đó, những chỉ tiêu tiềm năng hay phát triển bao trùm cũng không tích cực như: số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng có 3,5%, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đến 49,7%; lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp chỉ tăng 2,6% (năm 2017 là 5,1%).
Những kết quả nêu trên cho thấy những nỗ lực cải thiện kinh tế trong những năm gần đây đã được phát huy, nhưng đang chạm ngưỡng và có dấu hiệu khựng lại.
Nhìn trên bình diện toàn cầu, những bất ổn đang rất khó lường, nhất là tác động sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ — Trung, sự bế tắc trong tiến trình ra khỏi liên minh châu Âu của Anh. Những vấn đề nêu trên đang xảy ra trong bối cảnh 2019 là thời điểm rất nhạy cảm của Việt Nam nếu nhìn từ quá khứ bốn thập kỷ qua.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đụng đến phần khó nhất
Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 77/140 quốc gia, giảm ba bậc so với năm 2017. Trong 12 trụ cột chính, 7 trụ cột giảm điểm gồm: thể chế, hạ tầng, các kỹ năng, thị trường sản xuất, hệ thống tài chính, sự năng động trong kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo; bốn trụ cột tăng điểm gồm: áp dụng công nghệ thông tin, sức khỏe, thị trường lao động, quy mô thị trường; và ổn định kinh tế vĩ mô không thay đổi so với năm 2017.
Có đến sáu trụ cột có thứ hạng từ 90 trở xuống và đáng chú ý hầu hết đều là những trụ cột quan trọng gồm: thể chế, các kỹ năng, thị trường sản xuất, thị trường lao động và sự năng động của môi trường kinh doanh
Môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 69/190, giảm một bậc so với năm 2017. Trong 10 trụ cột, có sáu trụ cột rớt hạng gồm: xin giấy phép xây dựng, tín dụng, bảo vệ quyền cổ đông thiểu số, nộp thuế, thương mại qua biên giới và thanh lý tài sản; bốn trụ cột tăng hạng gồm: khởi sự kinh doanh mới, điện, đăng ký quyền tài sản và chế tài các hợp đồng.
Các trụ cột có xếp hạng rất thấp gồm: khởi sự kinh doanh, bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số, nộp thuế, thương mại qua biên giới và thủ tục giải thể, phá sản.
Những xếp hạng về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh nêu trên cho thấy, không gian cải thiện ở Việt Nam đã chạm ngưỡng và đang đụng đến phần khó nhất đó chính là cơ chế khuyến khích ngược. Các khó khăn hay vướng mắc liên quan đến khu vực công chủ yếu nằm ở vấn đề động cơ và cách hành xử của cán bộ công chức. Đây là nguyên nhân sâu xa của tình trạng "trên nóng dưới lạnh".
Đứng trước sự mù mờ của các quy định, cán bộ công chức gần như không có động cơ để bước vào "vùng xám" giải quyết các vấn đề để đáp ứng các đòi hỏi của cuộc sống làm cho mọi chuyện tốt hơn. Lý do là nếu làm như vậy họ sẽ thiệt kép (không có thu nhập tăng thêm và ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến).
Trái lại, nếu lợi dụng "vùng xám" để làm cho "ma sát" nhiều hơn thì họ lại được "bôi trơn" nhiều và có điều kiện "chăm sóc" cấp trên và tạo dựng các mối quan hệ nên cơ hội thăng tiến cũng lớn hơn. Như vậy là vừa có thu nhập, vừa có cơ hội thăng tiến.
Những nỗ lực cải thiện trong thời gian qua, trên thực tế, chưa giải quyết được vấn đề này. Nói cách khác, những vướng mắc hay điều khó nhất đang nằm ở đây.
Tham nhũng đã trở thành một vấn nạn hết sức nghiêm trọng ở Việt Nam. Nếu không quyết tâm chống tham nhũng cho bằng được thì rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào vết xe đổ như một số nước khác. Do vậy, việc triển khai một cách quyết liệt chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam là hết sức cần thiết. Nói cách khác, đây là việc buộc phải làm.
Chiến dịch này đã làm cho những kẻ chỉ biết "ăn và phá" phải chùn tay. Niềm tin của công chúng đã được cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, thách thức là làm thế nào để vừa có thể chống tham nhũng một cách quyết liệt, vừa tạo không gian và động lực cho những tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân giải quyết những khó khăn và đòi hỏi của cuộc sống.
Phép thử 2019
Với quán tính hiện hữu, khả năng có một sự cải thiện đáng kể về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong năm 2019 là không cao.
Nhưng, khả năng cao là các chỉ tiêu kinh tế và xã hội cơ bản sẽ đạt được và là tiền đề thuận lợi để đạt được chỉ tiêu 5 năm (2016-2020).
Tuy nhiên, điều khó lường là một bất trắc nào đó có thể xảy ra ở trong nước dẫn đến phản ứng dây chuyền của các thị trường tài chính và môi trường kinh doanh trong nước hay nền kinh tế toàn cầu suy thoái (thậm chí là khủng hoảng) thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Khả năng cao là mọi chuyện sẽ ổn đối với Việt Nam trong năm 2019. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra trong hơn bốn thập niên qua và một vài dấu hiệu có khả năng tạo ra bất trắc (tuy không rõ ràng) cho thấy 2019 sẽ là năm thử thách đối với Việt Nam.
Những chuẩn bị cần thiết
Các phân tích kỹ thuật cho thấy các nền tảng cơ bản cho kinh tế Việt Nam có được từ các năm qua và chuyển sang năm 2019 là ổn. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy những rủi ro của khu vực kinh tế trong nước mà nó có liên hệ chặt chẽ với các thị trường tài chính và bất động sản. Một sự bộc phát nào đó có thể là những ngòi nổ kích hoạt ra những tình huống không hay. Thêm vào đó, bối cảnh thế giới cũng đang rất khó lường.
Để tiếp tục phát huy đà tích cực và có thể ứng phó với những bất trắc hay rủi ro có thể xảy ra, Việt Nam cần chuẩn bị hay xem xét một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, tìm bằng được các giải pháp để giảm dần và loại bỏ cơ chế khuyến khích ngược có ý nghĩa quyết định. Nếu không thể giải quyết vấn đề này thì mọi chuyện sẽ rất khó.
Thứ hai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp có tiềm năng và khả năng phát triển tạo nhiều giá trị cho xã hội. Tuy nhiên, những giải pháp hay cơ chế giám sát để đảm bảo không có những đổ vỡ lớn của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Thứ ba, tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng một cách quyết liệt cùng với việc phát tín hiệu và tạo cơ chế để khuyến khích cán bộ công chức dám nghĩ, dám làm
Thứ tư, tìm cách tận dụng tốt các cơ hội mang lại trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời lường đoán những bất trắc để tránh những rủi ro có thể xảy ra.