Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết số 19 về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" (Hội nghị Trung ương 6, khóa XII), nhiều chuyên gia đánh giá Nghị quyết đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức bộ máy chính trị.
Thực hiện Nghị quyết có bước đột phá
Có thể thấy rõ, khi Nghị quyết được ban hành, dù chưa có văn bản, Nghị định nào thì các cơ quan đã bắt tay triển khai ngay. Kết quả bước đầu đã đạt được như: Đã điểm một số mô hình tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh, sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và đầu mối bên trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập, giảm được nhiều đơn vị trung gian, bước đầu khắc phục tình trạng trùng lặp, chống chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.
Cùng với việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tinh giản biên chế, bước đầu đã đạt những kết quả tích cực như giảm 15 Vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc Vụ, cục, giảm hơn 86.000 biên chế… Điển hình như Bộ Công an trong năm qua đã có bước đột phá lớn khi đã xóa bỏ 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Ngoài ra, ở công an địa phương, sau khi sáp nhập Cảnh sát PCCC và tổ chức lại, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội.
Ngoài ra, một số địa phương, đơn vị đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước thời hạn bảo đảm lợi ích cá nhân và lợi ích chung, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện giảm biên chế…
Đánh giá về kết quả này, ông Bùi Sỹ Lợi —Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định trên VOV, Nghị quyết 18, 19 đã thực sự đi vào cuộc sống, thậm chí hiện nay Trung ương phải "kiềm chế" tốc độ cơ cấu lại tổ chức bộ máy của các địa phương để đi đến sự thống nhất tập trung, để các địa phương, các ngành, cơ quan tiến hành sắp xếp, tinh giản biên chế được bài bản, đồng bộ, thống nhất đạt hiệu quả tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc thực hiện Nghị quyết đã có bước đột phá nhưng mới chỉ diễn ra ở một số ngành, địa phương, trong khi đó, có nơi, có chỗ vẫn còn giữ lại biên chế, khiến bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc.
Rõ ràng, trong thời gian qua, có nhiều bộ ngành, cơ quan, địa phương tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, có những nơi làm rất tốt, có những nơi lại chưa làm, hoặc mới làm bước đầu nhưng đã xảy ra đơn thư khiếu kiện, thắc mắc gây mất đoàn kết, gây rối trong nội bộ, điều này không đem lại lợi ích và cũng không đáp ứng được tinh thần Nghị quyết 18, 19.
"Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, chưa có văn bản pháp quy nào hướng dẫn một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương, dẫn đến việc nơi này làm cách này, nơi khác làm cách khác. Địa phương nào có điều kiện hỗ trợ thì người ra khỏi bộ máy cảm thấy hài lòng, còn địa phương chậm phát triển, ngân sách thiếu, hỗ trợ ít hoặc không có thì sẽ có những thắc mắc. Bởi cùng là cán bộ, trong một chính sách chung của đất nước mà lại có sự khác nhau về hưởng thụ, khác nhau về các giải pháp thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn, thắc mắc, khiếu nại, khiếu kiện. Tôi rất đồng tình với việc Bộ Nội vụ phải ra ngay một Chỉ thị đề nghị các địa phương tạm dừng lại để chờ hướng dẫn của Trung ương" — ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.
Người đứng đầu phải khách quan, công tâm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thừa nhận rằng, việc chỉ rõ người nào làm việc không đáp ứng được yêu cầu là vấn đề không đơn giản vì khi đánh giá cán bộ ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì khó mà đưa họ vào phải diện tinh giản biên chế.
Cho nên cần phải có những điều kiện cần và đủ trong đánh giá cán bộ, đó là: cán bộ phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn đúng ngành, lĩnh vực yêu cầu, được rèn luyện qua thực tiễn bằng kinh nghiệm; chứng minh qua thực tiễn giải quyết công việc và hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ bằng những kết quả công việc cụ thể.
Quan trọng hơn nữa, có sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế được hay không đòi hỏi vai trò rất lớn của người đứng đầu, xem họ có đánh giá khách quan, công tâm, công khai, minh bạch hay không. Nếu đánh giá không đúng vì thân quen, "con ông cháu cha" thì không bao giờ có được đội ngũ cán bộ tốt.
"Chúng ta phải làm, thể hiện cả ở quyết tâm chính trị, nhưng phải bảo đảm khách quan, công tâm của người đứng đầu và cũng phải "truyền lửa" cho cả cán bộ công chức, viên chức để họ tự thấy rằng, sự hy sinh của bản thân có thể mất mát, giảm tiền lương hoặc bị điều động sang vị trí thấp hơn nhưng họ hoàn toàn ủng hộ để bộ máy tốt hơn, hiệu quả hơn thì khi đó yêu cầu sắp xếp, tinh giản biên chế mới thành công" — vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.
Giảm người thì lương mới tăng
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu không sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế thì Nghị quyết 27 về "cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" không thành công. Bởi tinh giản biên chế không đơn thuần chỉ là "cắt" cơ học về lượng, mà phải đi vào yếu tố cốt yếu nâng cao về "chất". Quản lý biên chế theo hướng tinh gọn phải đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Số biên chế giảm đi thì tiền lương chia cho số người còn lại sẽ cao hơn.
Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần được chuyển sang hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khi đã hoàn thành nhiệm vụ theo hợp đồng ký kết với Nhà nước thì sẽ có nguồn kinh phí để trả lương. Trả lương phải trên cơ sở hiệu quả, hiệu suất công tác, năng suất lao động, mức độ cống hiến. Do đó đòi hỏi các đơn vị sự nghiệp công lập cũng sẽ tự mình tổ chức, sắp xếp, giảm biên chế, nâng cao năng suất lao động để tăng tiền lương khoán cho cán bộ viên chức.
Để công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, theo vị đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa, cần tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, làm chuyển biến nhận thức, kêu gọi mọi người coi đây là cuộc cách mạng để phát triển đất nước.
Quan trọng hơn hết là đảm bảo 3 lợi ích: lợi ích của người lao động, lợi ích tập thể và lợi ích của Nhà nước. Nếu muốn sắp xếp, đưa một người nào đó ra khỏi dây chuyền sản xuất, ra khỏi bộ máy thì phải tạo cơ hội cho họ có việc làm để tồn tại và phát triển chứ không phải theo cách gạt bỏ họ. Trong 3 lợi ích trên, cần đặt lợi ích của cán bộ công chức, viên chức làm đầu, tập thể, Nhà nước hy sinh một phần để người lao động thấy yên tâm khi ra khỏi bộ máy, có thể tồn tại, phát triển được. Bên cạnh đó, phải có quyết tâm chính trị cao, công khai, minh bạch, tránh lợi ích nhóm, không để mất đoàn kết, khiếu kiện.
"Công cuộc này là công cuộc thay đổi về chất trong quá trình sắp xếp bộ máy, là quá trình đột phá có tính chất khoa học và cũng là điều kiện để phát triển đất nước. Trong quá trình phát triển, bao giờ cũng có một bộ phận tụt lại phía sau. Nhưng quan điểm của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội là không phải mình khu vực công chức, viên chức, mà kể cả người lao động là không để ai bị bỏ lại phía sau" — ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.