Trong số hàng ngàn cửa hàng khác nhau, ngày càng có nhiều tấm biển bằng tiếng Anh, nhưng bạn khó có thể tìm thấy tấm biển bằng tiếng Nga. Nước Nga thực tế vắng mặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, có một nhóm người mà Nga, Liên Xô luôn trong trái tim họ. Đây là những học sinh miền Nam, những trẻ em đã tập kết ra Bắc vào năm 1954 và định cư tại các trường nội trú. Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông, đa số em đã được cử đi du học, chủ yếu tới Liên Xô. Họ đã học ở những thành phố khác nhau và những nước cộng hòa khác nhau của một quốc gia rộng lớn, sau đó trở về Việt Nam và bắt đầu làm nghề kỹ sư, bác sĩ, giáo viên. Nhiều người sau đó đã trở về miền Nam. Sau khi trở về, họ vẫn duy trì liên lạc với nhau. Tại thành phố Hồ Chí Minh có một nhóm "học sinh miền Nam" gồm 30 người trong nhiều năm liền gặp nhau mỗi tuần. Họ cố gắng giao tiếp bằng tiếng Nga, nhớ lại những tháng năm học tập ở Liên Xô, những giáo viên người Nga và hát những bài hát Nga.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Năng lượng Matxcơva vào năm 1967, ông Thân Trọng Tân đã làm thanh tra viên tại công trường xây Nhà máy thủy điện Thác Bà — đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam, trong năm 1975 ông đã trở về miền Nam và trong 40 năm liền giữ chức Giám đốc Nhà máy kéo dây đồng THAMYCO.
"Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ của Liên Xô. Đất nước của các bạn chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim người Việt. Liên Xô đã cho chúng tôi cơ hội khởi động lại đời mình, và các bà giáo Nga chính là người mẹ thứ hai trong lòng mỗi lưu học sinh Việt Nam", — ông Thân Trọng Tân nói và xúc động rơi nước mắt.
Hai vợ chồng Nguyễn Văn Hơn và Nguyễn Thị Bửu đã là sinh viên các ngành hóa học, chỉ có việc ông Nguyễn Văn Hơn đã tốt nghiệp Khoa Hóa học của Đại học Kharkov ở Ukraina, và bà đã tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Hoá học Matxcơva. Bà Bửu đã làm việc 3 năm ở thành phố Orekhovo-Zuyevo, ngoại ô Matxcơva, tập thể của xí nghiệp này đã là một gia đình lớn của bà. Bà Trần Thị Thanh đã tốt nghiệp Khoa Sinh học của Đại học Quốc gia Mátxcơva vào năm 1973, đã bảo vệ luận án và trở thành một trong những nhà vi trùng học đầu tiên của Việt Nam, trong nhiều năm bà đã dạy môn khoa học này tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà Kha Quỳnh Liên đã tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga của Đại học Liên bang Rostov vào năm 1973. Sau khi trở về nước, bà đã làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau đó tại Sở Ngoại vụ của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm 2000-2004, bà Liên là nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, và con gái của bà đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Matxcơva. Trong nhóm này có cả những người không theo học ở Liên Xô, ví dụ như bà Lâm Ngọc Thu, bà đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Đối với tôi nước Nga là một đất nước thật sự thân thương, gần gũi. Rốt cuộc, tất cả các giáo viên của tôi đều đã tốt nghiệp các trường đại học ở Liên Xô, kỹ thuật dùng trong các phương pháp giảng dạy là của Liên Xô", — bà Thu nói.
Một cặp đôi khác — ông Nguyễn Hữu Trí và bà Nguyễn Thanh Tâm. Năm 1967, họ đã tốt nghiệp Khoa Hóa học tại Đại học Kishinev, thủ đô của một nước cộng hòa Xô viết khác — Moldova, và đã kết hôn cùng năm. Bà Tâm đã phục vụ trong quân đội cấp bậc đại tá. Và ông Trí đã đọc các bài giảng tại khoa hóa học của Đại học Hà Nội, rồi ông đã đến Matxcơva, làm nghiên cứu sinh tại Khoa Hóa học của trường Đại học quốc gia Matxcơva và trong năm 1974 đã bảo vệ luận án về sự kết hợp của các nguyên tố hiếm. Công trình khoa học của ông đã được trao tặng Huy chương Đồng của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Sau khi bảo vệ luận án, ông Nguyễn Hữu Trí đã trở về Việt Nam, gia nhập quân đội, tham gia giải phóng Sài Gòn, rồi lãnh đạo Trung tâm phân tích vật lý và hóa học của Quân đội Nhân dân Việt Nam và được nghỉ hưu cấp đại tá. Từ năm 1995, Giáo sư Nguyễn Hữu Trí là giảng viên tại Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.
Suốt đời những người này hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong các lĩnh vực khác nhau. Nhưng, đối với họ, thời kỳ tươi sáng nhất là những năm học tập tại Liên Xô. Tất cả họ đều yêu mến và tôn trọng nước Nga, người dân Nga, ngôn ngữ Nga, văn hóa Nga. Họ đã cố gắng truyền tình yêu này cho những người thân yêu của họ. Tất cả họ đang chờ đợi sự hiện diện tích cực hơn của Nga tại Việt Nam. Hy vọng rằng, vào năm 2019, trong khuôn khổ "Năm chéo Việt — Nga", điều này sẽ xảy ra.