Các bị cáo bị xét xử về tội "Vô ý làm chết người"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tất cả 7 bị cáo đều có mặt tại phiên tòa gồm: Hoàng Công Lương — nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận; Bùi Mạnh Quốc — GĐ Cty xử lý nước Trâm Anh; Đỗ Anh Tuấn — GĐ Cty Thiên Sơn; Trương Quý Dương — nguyên GĐ bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu — nguyên Phó GĐ; Trần Văn Thắng — trưởng phòng vật tư; Trần Văn Sơn — viên chức vật tư.
Trước đó, Hoàng Công Lương đã phải nằm viện thời gian dài tại khoa Nội thần kinh — Cơ xương khớp (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) với dấu hiệu trầm cảm. Ở phiên tòa 8/1, Hoàng Công Lương là bị cáo duy nhất không góp mặt, khiến HĐXX phải hoãn phiên tòa.
Theo cáo trạng và diễn biến phiên tòa cho thấy: Năm 2010, Giám đốc BV Hòa Bình — Trương Quý Dương ký với Đỗ Anh Tuấn hợp đồng mua sắm thiết bị chạy thận nhân tạo dù BV Hòa Bình không có kỹ sư kiểm tra chất lượng nước dùng cho lọc máu. Tháng 4/2017, bị cáo Trần Văn Sơn phát hiện hệ thống lọc nước RO số 2 dùng trong chạy thận hỏng nên lập biên bản và được các bị cáo Trần Văn Thắng, Hoàng Công Lương ký nội dung cần sửa chữa.
BV Hòa Bình đã thuê Cty Thiên Sơn sửa chữa với giá gần 100 triệu đồng. Nhưng sau đó, Thiên Sơn thuê lại Bùi Mạnh Quốc thi công với giá chỉ gần 50 triệu đồng. Ngày 28/5/2017, Quốc sửa chữa, tẩy rửa màng lọc RO nhưng sơ suất để axit lẫn vào trong hệ thống. Tuy vậy, Quốc vẫn thông báo tới Trần Văn Sơn việc sửa chữa đã xong nên Sơn báo lại cho điều dưỡng.
Nghe báo cáo sửa chữa đã xong, bác sĩ Hoàng Công Lương ra y lệnh chạy thận. Sau đó, 9 bệnh nhân tử vong vì chất lượng nước chạy thận không đảm bảo. Ý kiến của Viện kiểm sát cho rằng: Ông Lương cũng phải biết nước dùng cho lọc máu cần đảm bảo chất lượng theo Quy chế khoa lọc máu năm 1997 của Bộ Y tế. Tuy vậy, bị cáo này đã chủ quan ký y lệnh làm cơ sở lọc máu chỉ dựa vào lời của một điều dưỡng, do vậy có cơ sở để khởi tố Hoàng Công Lương tội "Vô ý làm chết người.