Vài năm trở lại đây, cứ mỗi lần Tết đến, tại Việt Nam lại dấy lên cuộc tranh luận về việc bỏ hay giữ Tết Nguyên đán. Những người muốn bỏ Tết cổ truyền đủ các tầng lớp, thành phần: từ doanh nhân cho tới các nhà quản lý, trí thức,… Những người này cho rằng, việc tổ chức Tết Nguyên đán đem lại sự tốn kém về kinh tế cho xã hội, từ nhà nước cho đến người dân. Họ viện lý rằng hàng năm, trung bình mỗi người dân Việt Nam đã tiêu tốn vài triệu VND, thậm chí là cả vài chục triệu VND chỉ cho một cái Tết kéo dài 4 ngày (theo luật của Việt Nam về ngày nghỉ trong năm). Họ cũng viện dẫn ra những tốn kém trong việc tổ chức các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán và cả hàng tháng sau dịp Tết bao gồm nhiều lễ hội dân gian, lễ hội do các tổ chức phi chính phủ tổ chức và cả những lễ hội do nhà nước tổ chức. Những người này còn viện dẫn lý do là các doanh nghiệp nước ngoài làm việc vào dịp Tết, trong khi đó thì người Việt Nam nghỉ Tết. Từ đó, họ cho rằng Tết làm lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.
- Về kinh tế đối nội, Tết Nguyên đán là cơ hội làm ăn của các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là cung cấp những hàng hóa, dịch vụ truyền thống. Sự phát triển của các ngành cung cấp hàng hóa và dịch vụ này cho thu nhập lên đến hàng nghìn tỷ VND trong mỗi dịp tết và đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế.
- Về kinh tế đối ngoại, Tết Nguyên đán cùng với các lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đem lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch Việt Nam, thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài trong năm.
- Đối với Nhà nước và các doanh nghiệp, Tết Nguyên đán là dịp thuận tiện để giao lưu với nước ngoài, để ký kết các hợp đồng kinh doanh, để đi đến những thỏa thuận ngoại giao, kinh tế và cả chính trị.
Vì vậy, theo quan điểm của tôi, lấy lý do tốn kém về chi tiêu và lãng phí tiền bạc hay lỡ cơ hội kinh doanh để đòi bỏ Tết Nguyên đán là bất hợp lý, là góc nhìn thiển cận, hạn hẹp về truyền thống văn hóa này", — ông Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị xã hội nói với Sputnik.
Sputnik: Nhưng, còn những người đòi bỏ Tết Nguyên đán vì cho rằng Tết Nguyên đán là sản phẩm của văn hóa Trung Quốc…
"Trước hết, những người này không hề có một chút hiểu biết rằng Tết Nguyên dán không phải là sản phẩm văn hóa của Trung Quốc nói chung và người Hoa nói riêng. Và họ cũng quên mất một điều cơ bản rằng mọi sản phẩm văn hóa của con người (trong đó có Tết Nguyên đán) đều bắt nguồn từ thực tiễn sinh sống, từ phương thức hoạt động kinh tế trước khi nó trở thành một sản phẩm tinh thần.
Tết Nguyên đán (cũng gọi là Tết Âm lịch để phân biệt với Tết Dương lịch) là sản phẩm của văn hóa, của phong tục, tập quán của tất cả các dân tộc có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp lúa nước. Lịch sử khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng trước khi các nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây can thiệp vào cho thấy nền nông nghiệp lúa nước ở đây dựa trên "lịch mặt trăng". Theo đó, các tiết khí để người làm nghề trồng lúa nước có thể tính toán để cho những vụ mùa tươi tốt phụ thuộc vào lịch này. Còn ở Trung Nguyên (tức Cao nguyên Hoàng Thổ), nơi khởi phát của nền văn minh Trung Hoa, người dân ở đây gây dựng nền kinh tế của mình bằng nghề trồng lúa mỳ, trồng cao lương và chăn nuôi du mục. Đương nhiên là việc canh tác, nuôi trồng những sản vật ấy tuân theo một chu trình thời tiết nông vụ hoàn toàn khác so với những cư dân trồng lúa nước.Vì vậy, quy thuộc Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc là hoàn toàn phi logic, phi biện chứng lịch sử", ông Nguyễn Minh Tâm phân tích quan điểm của mình với phóng viên Sputnik.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Minh Tâm, hầu hết các thủ tục nghi thức tế lễ, đến các sản vật, các trò chơi có trong các lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đều gắn với nền nông nghiệp lúa nước. Ở Việt Nam, có thể thấy "Lễ hội cày tịch điền" là sự đánh dấu khởi đầu của một mùa màng tươi tốt trong năm. Cũng ở Việt Nam, ta có thể thấy các sản vật bánh chưng, bánh dày với gạo nếp và đậu xanh thường dược dùng trong những ngày Tết Nguyên đán cũng chính là những sản vật của nền nông nghiệp lúa nước. Và thêm nữa, những lễ nghi phong tục như cúng bái trời đất và gánh nước đầu chum trong đêm giao thừa (Lễ trừ tịch), như trồng cây nêu để xua đuổi tà ma, như hái lộc đầu năm v.v… đều cho thấy xuất xứ nông nghiệp của chúng.
Ngoài ra, trong chuỗi lễ hội mùa Xuân sau Tết Nguyên đán ở Việt Nam, người ta dễ dàng nhận thấy những điều không hề có trong văn hóa Trung Quốc như chọi Trâu (ở Đồ Sơn, Hải Phòng), rước giò hoa tre (ở Sóc Sơn, Hà Nội), cày ruộng tịch điền (ở Đọi Sơn, Hà Nam), v.v… Tất cả đều gắn với nền nông nghiệp lúa nước, điều mà Trung Nguyên không hề có.
Xét dưới góc độ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, Tết Nguyên đán chính là biểu hiện của sự vận động của vũ trụ theo chu kỳ xuân — hạ — thu — đông.
"Nó có ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính", — nhà nghiên cứu Thạch Phương nói.
Ở Việt Nam, tất cả chúng ta đều biết tín ngưỡng thờ tổ tiên chiếm một vị trí to lớn trong đời sống tinh thần của người Việt, từng được gọi là "Đạo Ông Bà". Vì lẽ đó, chối bỏ Tết Nguyên đán cũng là một hành động góp phần cổ súy cho việc chối bỏ tổ tiên mình. Đây là một phi giá trị không thể chấp nhận được", — Huỳnh Thiệu Phong (khoa Du Lịch, ĐH Văn Hóa TP.HCM) chia sẻ trên một trang báo.
"Bỏ Tết Nguyên đán là sự mất gốc của những người có tư tưởng Âu hóa, Mỹ hóa nền văn hóa truyền thống của Việt Nam", ông Nguyễn Minh Tâm kết luận.
"Nên giữ Tết, nhưng tinh tế hơn là nên loại bỏ hủ tục, mê tín dị đoan", — Giáo sư ngôn ngữ Bùi Hiền chia sẻ quan điểm của mình với phóng viên Sputnik.
"Phát triển kinh tế và ăn Tết cổ truyền luôn có thể song hành cùng nhau", chuyên gia Joe Buckley khẳng định.
"Sao bỏ Tết cổ truyền được! Đó là văn hóa truyền thống. Chúng tôi không có chỉ đạo nào về việc nghiên cứu vấn đề bỏ Tết Nguyên đán hay gộp Tết Dương lịch và Âm lịch lại cả", — Tiến sĩ Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) phát biểu với Sputnik.