Cuộc bỏ phiếu về dự thảo thoả thuận Brexit được Hạ viện Anh tiến hành từ 19h ngày 15/1 theo giờ London. Đúng như dự đoán trước đó của giới phân tích, đa số nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu bác bỏ thoả thuận mà chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May đạt được với EU vào cuối tháng 11/2018.
Cụ thể, 432 nghị sĩ đã bỏ phiếu chống, cao hơn 2 lần số nghị sĩ ủng hộ là 202. Đặc biệt, trong số các phiếu chống có tới 118 phiếu của các nghị sĩ nằm trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền của bà Theresa May.
Phát biểu ngay sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được thông báo, bà May cho biết, chính phủ Anh sẽ lắng nghe ý kiến của các nghị sĩ nhưng tỏ ý nuối tiếc vì thoả thuận đã bị bác bỏ.
"Nghị viện đã quyết định và chính phủ Anh sẽ lắng nghe. Rõ ràng là các nghị sĩ đã không ủng hộ thoả thuận này nhưng cuộc bỏ phiếu này không nói lên được là Nghị viện ủng hộ điều gì. Nó cũng không nói lên được bằng cách nào để thực thi quyết định mà người dân Anh quốc đã đưa ra trong cuộc trưng cầu ý dân do chính Nghị viện cho phép tiến hành. Các công dân EU sinh sống tại Vương quốc Anh và các công dân Anh sinh sống tại châu Âu xứng đáng có được câu trả lời rõ ràng sớm nhất có thể".
Việc Hạ viện bác bỏ thoả thuận Brexit đang đẩy chính trường Anh vào các tình thế phức tạp mới. Ngay trong tối 15/1, thủ lĩnh Công đảng đối lập, Jeremy Corbyn cũng đã ngay lập tức đệ trình yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ của Thủ tướng Theresa May và Hạ viện Anh sẽ thảo luận và bỏ phiếu ngay trong ngày hôm nay, 16/1.
Nếu bà May vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thì nhiệm vụ tiếp theo sẽ là phải đàm phán lại với EU về một thoả thuận Brexit mới trong khi thời hạn diễn ra Brexit là ngày 29/3/2019 vẫn được giữ nguyên.
Trong trường hợp bà May bị hạ bệ, nhiều khả năng nước Anh sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn để lựa chọn một Chính phủ mới.
Trong lúc này, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ tiếc nuối trước việc Hạ viện Anh bác bỏ thoả thuận Brexit. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker tuyên bố nguy cơ về Brexit hỗn loạn đang ngày càng cao, trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thì lên tiếng kêu gọi các bên nỗ lực để tìm kiếm một "giải pháp tích cực"