Sáng 17/1, nhóm luật sư bào chữa tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra sau sự cố chạy thận nhân tạo làm chết 9 người ở Hòa Bình.
Đổ trách nhiệm cho cấp dưới
Được hỏi về trách nhiệm lọc máu thuộc phòng ban nào, bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) trả lời, việc lọc máu thuộc trách nghiệm của Khoa Hồi sức tích cực.
Về mặt tổ chức, Đơn nguyên lọc máu thuộc Khoa Hồi sức nhưng các hoạt động chuyên môn lại tuân theo quy chế riêng của Khoa Lọc máu.
Ông Dương khai Đơn nguyên lọc máu không có biên chế kỹ thuật viên mà chỉ có người làm công việc của kỹ thật viên. Bị cáo cũng khẳng định, theo quy chế Khoa Lọc máu, nhiệm vụ đảm bảo an toàn nguồn nước RO thuộc về trách nghiệm trưởng khoa.
Được người bào chữa đề nghị đối chất, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc phụ trách Khoa Hồi sức) lại phản bác lời khai của người từng là cấp trên.
Ông Khiếu cho rằng Đơn nguyên lọc máu không phải một Khoa nên không có người đảm nhận chức danh kỹ thuật viên và kỹ sư chuyên môn.
Bị cáo còn trình bày, trách nghiệm về chất lượng nước theo quy chế đúng là thuộc về trưởng khoa. Tuy nhiên, do Đơn nguyên lọc máu không có kỹ thuật viên và kỹ sư nên khi thiết bị có hư hỏng đều được báo cho Phòng vật tư.
"Bởi vậy, trách nghiệm về chất lượng nước sử dụng cho lọc máu, hỏng hóc của máy móc tôi cho rằng thuộc về Phòng vật tư", cựu Phó giám đốc nói và cho hay, sau mỗi lần sửa chữa hoặc nhận thiết bị từ Phòng vật tư, Khoa Lọc máu sẽ thực hiện chạy thận luôn.
Bị cáo phản đối công văn của Sở
Tiếp đó, luật sư bào chữa truy bị cáo Trương Quý Dương về việc ký quyết định thành lập Đơn nguyên thận nhân tao.
Một ngày trước, có mặt tại tòa để tham gia xét hỏi với tư cách bên liên quan, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình Bùi Thu Hằng khẳng định, căn cứ Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện liên doanh, liên kết trong khám chữa bệnh, việc bệnh viện tỉnh ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn là phù hợp.
Ngoài ra, Phó giám đốc Sở cho rằng, từ thực tế nhiệm vụ được giao, ông Trương Quý Dương hoàn toàn có quyền thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo.
Tuy nhiên, chủ tọa cho biết Công văn số 6466 năm 2018 của Sở Nội vụ tỉnh này lại kết luận, không có quy định nào cho phép thành lập như vậy. Bệnh viện tự ý thành lập Đơn nguyên thận là không đúng với quy định của pháp luật.
Khai tại tòa hôm nay, bị cáo Dương nói bản thân không đồng tình với ý kiến đánh giá như trên của Sở Nội vụ.
"Nếu họ nói như vậy và khẳng định như thế, chúng tôi dứt khoát sẽ kiện", cựu giám đốc bệnh viện khai.
Cáo buộc của VKS cho rằng, ông Trương Quý Dương ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Hợp đồng này sau đó được nhượng lại cho Công ty xử lý nước Trâm Anh.
VKS xác định Trương Quý Dương đứng đầu bệnh viện nhưng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, để cho cấp dưới vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. Ông Dương đã ký quyết định thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo khi chưa bố trí đủ kỹ sư, kỹ thuật viên hoặc phân công cán bộ để kiểm tra chất lượng nước RO sau khi lọc.
Nguyên giám đốc bệnh viện cũng không chỉ đạo Phòng vật tư xây dựng, ban hành quy định liên quan đến an toàn kỹ thuật vận hành máy lọc nước RO mà để Đơn nguyên lọc máu tùy tiện sử dụng hệ thống này.
Cũng theo VKS, ông Dương ký các hợp đồng sửa chữa hệ thống RO nhưng không kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo khi có sự cố.