Theo Phó Thủ tướng, sự hình thành và không ngừng lớn mạnh của ASEAN dựa trên nguyên tắc đồng thuận, thống nhất trong đa dạng, với 3 trụ cột hợp tác: Chính trị-an ninh; kinh tế; văn hóa-xã hội và trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì du lịch liên quan trực tiếp nhất và cũng tác động rõ nhất tới đồng thời cả 3 trụ cột này.
Tất cả các nước thành viên ASEAN đều chú trọng phát triển du lịch, coi đây là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến khu vực đạt khoảng 10%, cao hơn so với trung bình 8% của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 6,9% của toàn thế giới. ASEAN là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất châu Á và Thái Bình Dương.
Riêng tại Việt Nam, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng du lịch trung bình đạt gần 30%/năm, chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với mức đóng góp trực tiếp vào GDP đạt khoảng 8%. Đáng chú ý, tăng trưởng du lịch có tác động lan tỏa cho nhiều ngành, lĩnh vực, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; phát huy giá trị và giao lưu văn hóa, góp phần tăng cường hợp tác hòa bình, hữu nghị.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Diễn đàn Du lịch ASEAN Việt Nam 2019 là sự kiện quan trọng để những quốc gia thành viên ASEAN cùng với các nước đối tác, tổ chức quốc tế thảo luận về những giải pháp phát triển du lịch bền vững nhất, tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác hữu nghị vì hòa bình, phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tô đậm thêm gạch nối trong chuỗi nỗ lực của Việt Nam và các nước thành viên nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và là đối tác hợp tác tin cậy, uy tín.
Với chủ đề "Sức mạnh của sự thống nhất", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các đại biểu dự Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 cùng bàn, thống nhất một số ưu tiên. Trước hết là tiếp tục phát triển ASEAN trở thành điểm đến chung có chất lượng cao và đậm đà bản sắc. Đây là yếu tố quan trọng, là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các biện pháp thúc đẩy du lịch nội khối cần được ưu tiên áp dụng nhằm tạo điều kiện cho người dân giữa các quốc gia trong khu vực được tham quan, trao đổi, giao lưu văn hóa và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần hình thành Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng.
Hoạt động hợp tác và huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế cần được thúc đẩy nhằm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ, không chỉ là dịch vụ du lịch và đặc biệt là các dịch vụ văn hóa.
Các nước ASEAN cần đẩy mạnh các cơ chế hợp tác, trao đổi về phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực và trao đổi lao động có kỹ năng nghề trong nội khối. Đồng thời tăng cường hợp tác với các nước đối tác cùng các tổ chức phát triển, các nước trên thế giới để mở rộng thị trường, tạo thuận lợi cho khách du lịch trong việc tiếp cận điểm đến; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách.
"Diễn đàn Du lịch ASEAN Việt Nam 2019 là viên gạch đặt nền tảng cho mục tiêu đến năm 2025 ASEAN sẽ là một điểm đến du lịch chất lượng, cung cấp trải nghiệm về một ASEAN đa dạng và độc đáo, với cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng, để góp phần đáng kể vào sự thịnh vượng về kinh tế — xã hội của người dân ASEAN", Phó Thủ tướng nói.