Hình thức, cồng kềnh, phức tạp
Bộ trưởng Công an đề cập 2 rất việc lớn trong sắp xếp bộ máy là không tổ chức cấp trung gian và đưa lực lượng xuống bám sát cơ sở, bám vào dân.
Lý giải về quyết định bỏ cấp trung gian là cấp Tổng cục, tướng Tô Lâm cho biết trước khi bắt đầu đề xuất tổ chức bộ máy mới vào năm 2018 thì ngành công an đã có lịch sử 72 năm hình thành và phát triển, trong đó 36 năm có tổng cục và 36 năm không có tổng cục.
Nguyên nhân hình thành cấp Tổng cục trước đây được ông Lâm cho biết xuất phát điểm từ chủ trương sẽ xây dựng những đơn vị nòng cốt để tách 2 Bộ. "Lúc ấy Bộ Chính trị có chủ trương tách 2 Bộ là An ninh và Bộ Công an phụ trách lực lượng Cảnh sát. Xây dựng 2 lực lượng An ninh và cảnh sát để làm nòng cốt cho tách Bộ, nhưng đây lại không quy định là một cấp quản lý hành chính. Trong quá trình diễn biến, đến lúc các lực lượng khác cũng đòi thành lập, có cấp tổng cục tương xứng, nên có lúc lên 8 tổng cục, rồi thu gọn lại thành 6 tổng cục. Và hệ thống ở địa phương là Ban chỉ huy An ninh, Ban chỉ huy cảnh sát của 2 Tổng cục này cũng thực hiện được mấy năm thì thấy quá cồng kềnh, quá phức tạp nên giải tán ngay. Cuối cùng chỉ còn Bộ là còn cấp Tổng cục" — ông Lâm thẳng thắn.
Theo ông, Tổng cục là cấp trung gian, rất hình thức bởi nó không phải cấp hành chính, không quan hệ được với cấp Bộ, ngành, địa phương (vì cấp Bộ mới làm việc được). Cấp Tổng cục cũng không chỉ đạo được cả địa phương.
Ông nhấn mạnh nhiệm vụ, tư duy mới của ngành công an là xây dựng xã hội trật từ từ xóm làng, khu phố, làm sao giảm được tỷ lệ tội phạm, còn nếu chỉ tập trung đấu tranh, điều tra khám phá vụ án thì vẫn không thể ngăn chặn tội phạm được, nên biên chế tổ chức không thể phát triển theo hướng như vậy.
Đề cập đến kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, tướng Tô Lâm cho biết sắp xếp bố trí cán bộ cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu công tác, thực hiện nghiêm nguyên tắc Giám đốc Công an tỉnh, trưởng công an cấp huyện không phải người địa phương.
"Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an đã tiết kiệm 1.000 tỷ đồng", ông Lâm thông tin.
Người đứng đầu ngành công an cũng nhận định tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động đã đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, không gây gián đoạn, xáo trộn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của công an các cấp, không để một ngày, một giờ nào nhân dân không được phục vụ.
Phát sinh bất cập pháp lý, khó khăn trong bố trí lãnh đạo, chỉ huy
Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an và cán bộ chiến sĩ có quyết tâm chính trị cao, đoàn kết thống nhất, kiên định, quyết tâm đổi mới, gương mẫu đi đầu, dám hy sinh một phần quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung.
Về khó khăn, ông Lâm cho biết trong quán trình sắp xếp còn phát sinh bất cập về cơ sở pháp lý. Vấn đề này nếu không khéo trở thành cái cản trở, làm chậm quá trình triển khai. Đặc biệt, ngành còn khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy vì "bộ máy lớn mà thu gọn lại rất khó khăn".
Ngoài ra, ông Lâm cũng nhấn mạnh vấn đề thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ chiến sĩ ở những đơn vị sắp xếp, giải thể. Ở những đơn vị mới thì với cách tư duy mới cũng có khó khăn khi chuyển đổi ngay vào mô hình đó.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề cập việc nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc về những vụ việc vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của cán bộ Đảng viên trong thời gian qua, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ gắn với thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự phê bình; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND, phân công phân cấp mạnh mẽ, giao quyền cụ thể gắn với trách nhiệm rõ ràng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành nghiêm minh với tinh thần không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.