Chưa bao giờ hoạt động tín dụng đen hoạt động phức tạp, gây bất ổn xã hội như thời gian qua. Tổ chức cho vay nặng lãi xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khiến Thủ tướng phải yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để.
Tín dụng đen thời 4.0 có gì đặc biệt? Các đường dây này liên kết với tội phạm và được cán bộ biến chất tiếp tay ra sao? Zing.vn đã có cuộc phỏng vấn thượng tá Tô Cao Lanh, Trưởng phòng Trọng án — Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), về những vấn đề trên.
Uy hiếp nạn nhân theo kiểu xã hội đen
- Tín dụng đen không đơn thuần là vay mượn thông thường. Bộ trưởng Công an Tô Lâm từng nói phía sau tín dụng đen là tội phạm có tổ chức. Cả nước hiện nay có bao nhiêu băng nhóm tội phạm cho vay lãi nặng hoạt động?
- Hoạt động tín dụng đen gắn với tội phạm có tổ chức núp bóng cơ sở kinh doanh tài chính hoặc doanh nghiệp. Lực lượng cảnh sát hình sự cả nước đang rà soát làm rõ ít nhất 210 băng nhóm liên quan hoạt động tín dụng đen với gần 2.000 người hoạt động.
Trong 4 năm gần đây, các nhóm hoạt động tín dụng đen gây ra hàng nghìn vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, hơn 800 vụ cưỡng đoạt tài sản…
- Trước đây, tín dụng đen chủ yếu núp bóng hiệu cầm đồ. Cách thức cho vay, thủ đoạn siết nợ của băng nhóm cho vay lãi nặng thay đổi ra sao từ khi gắn kết với tội phạm có tổ chức?
- Các nhóm tội phạm hoạt động tín dụng đen hiện nay thường cho vay tín chấp, không mở cửa hiệu cầm đồ. Họ quảng cáo thông qua mạng mạng xã hội, website, gửi tin nhắn bằng sim rác, dán tờ rơi tiếp thị hoặc sử dụng các ứng dụng cho vay trên thiết bị di động. Giấy tờ vay nợ không thể hiện lãi suất, khi không có khả năng trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn thì phải chịu lãi suất "cắt cổ" có khi lên đến 700%/năm.
Thủ đoạn siết nợ phổ biết là cho đầu gấu xăm trổ, những thành phần có tiền án, tiền sự đến nhà hoặc nơi kinh doanh của con nợ uy hiếp hoặc sử dụng sim rác gọi điện, nhắn tin trước khi đổ chất bẩn, chất thải, mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó nhằm khủng bố tinh thần. Một số kẻ còn sử dụng vũ khí, hung khí để đâm chém, truy sát con nợ, gây thương tích cho nạn nhân. Có trường hợp dẫn đến chết người, hủy hoại tài sản, làm nhục uy tín, danh dự của nạn nhân, gây bức xúc cho người dân khu vực xung quanh.
Một số trường hợp còn lập hợp đồng giả cách (hợp đồng không đúng thỏa thuận thực tế nhằm hợp pháp hóa các giao dịch) theo dạng mua bán, cho thuê tài sản, xin việc, chạy dự án… có xác nhận của văn phòng công chứng. Khi người vay tiền mất khả năng thanh toán, chúng sẽ đề nghị cơ quan tư pháp xử lý để gây áp lực cho con nợ, hợp pháp hóa việc chiếm đoạt tài sản.
Có một số băng nhóm núp dưới vỏ bọc công ty đòi nợ thuê mang giấy giới thiệu đến đề nghị cơ quan công an phối hợp nhưng khi đòi nợ lại sử dụng đối tượng lưu manh xăm trổ để đe dọa, uy hiếp nạn nhân theo kiểu xã hội đen khiến nạn nhân và gia đình hoang mang, hoảng loạn.
- Thời gian qua, án nghiêm trọng liên quan cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng tội phạm có tổ chức hoạt động mạnh chủ yếu xảy ra tại các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên. Vì sao có tình trạng này, thưa ông?
- Với sự phát triển của kinh tế — xã hội, công nghệ thông tin và hạ tầng giao thông, tính lưu động của tội phạm tín dụng đen cũng tăng lên. Hoạt động cho vay nặng lãi len lỏi từ khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Khi các băng nhóm tội phạm hình sự gốc Bắc di chuyển vào phía Nam, nhất là địa bàn Tây Nguyên và nơi có chủ trương thành lập đặc khu kinh tế thì hoạt động cho vay nặng lãi tại những nơi này diễn biến phức tạp.
Tại khu vực đồng bào dân tộc ít người, khu vực nông thôn hoặc nơi tập trung đông công nhân, người lao động và học sinh, sinh viên, tội phạm lợi dụng trình độ dân trí chưa cao, sự am hiểu pháp luật của người dân còn hạn chế để đưa ra các bẫy lãi suất nhằm chiếm đoạt tài sản.
Còn tại các địa bàn kinh tế tăng trưởng "nóng", người dân có nhu cầu vay tiền để đầu tư lướt sóng kiếm lời. Do vội vàng, không tìm hiểu kỹ thỏa thuận vay mượn nên người vay phải chịu mức lãi suất cao, điều kiện thỏa thuận bất lợi, lãi chồng lãi nếu quá hạn. Khi bị siết nợ, nhiều nạn nhân phải bỏ trốn khỏi nơi cư trú hoặc thực hiện hành vi phạm tội để có tiền trả nợ.
Được bảo kê, tiếp tay
- Lãi suất ngân hàng trung bình khoảng 9%/năm, còn tín dụng đen có nơi 300%, thậm chí 700%/năm. Với lãi suất cao như vậy, tại sao tội phạm cho vay nặng lãi vẫn có đất sống?
- So với ngân hàng, tín dụng đen đáp ứng được tâm lý người vay về thời gian, thủ tục giao dịch, đặc biệt không cần xác minh mục đích sử dụng tiền. Hai bên chỉ cần thỏa thuận một vài điều kiện lỏng lẻo, ký hợp đồng ngắn gọn là việc vay mượn hoàn thành.
Trong khi chính sách tín dụng thắt chặt điều kiện cho vay thì bên ngoài lại có nhiều tổ chức, cá nhân có tiền nhàn rỗi muốn cho vay lấy lãi. Các tổ chức, cá nhân hoạt động không lành mạnh như cờ bạc, buôn lậu hoặc đầu tư vào lĩnh vực rủi ro cao (chứng khoán, bất động sản, ngoại hối…) khi không đủ điều kiện vay, hoặc không muốn công khai mục đích sử dụng tiền thường tìm đến tín dụng đen.
- Dư luận cho rằng tín dụng đen hoạt động phức tạp, rộng khắp ngoài sự tiếp tay từ cán bộ ngân hàng biến chất, còn có sự hậu thuẫn của lực lượng thực thi pháp luật.
- Qua điều tra một số vụ án cho thấy hoạt động quản trị ngân hàng còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng gửi tiền cho nhau hưởng lãi suất hoặc lợi dụng hoạt động ủy thác đầu tư, mua bán kỳ hạn để tham gia tín dụng đen. Có trường hợp cán bộ một số ngân hàng tha hóa, biến chất còn cung cấp vốn cho tổ chức tín dụng đen để cho vay nặng lãi, qua đó thu lời bất chính.
Một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật còn có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay cho tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Trong khi các đường dây cho vay lãi luôn tìm cách đối phó, sẵn sàng bỏ tiền thuê cán bộ từng làm việc tại tòa án, công an, viện kiểm sát, luật sư, công chứng viên tham gia tư vấn cho hoạt động vay nợ. Đây một trong những nguyên nhân khiến việc phòng ngừa, điều tra loại tội phạm này gặp khó khăn.
— Cách thức hoạt động của tín dụng đen biến đổi ra sao trong giai đoạn công nghệ 4.0 và mạng xã hội trở nên phổ biến với hầu hết người dân?
- Nếu trước đây, việc vay mượn diễn ra chủ yếu tại hiệu cầm đồ, thì giờ đây, mọi hoạt động quảng cáo, mời chào hay cho vay đều diễn ra trực tuyến. Với xu hướng sử dụng công nghệ cao để cho vay lãi, tội phạm tín dụng đen sử dụng ứng dụng cho vay trực tuyến ngang hàng trên các website, ứng dụng di dộng tiếp cận người có nhu cầu sử dụng tiền cấp bách với số lượng không quá lớn.
Lãi suất có thể lên đến 700%/năm nhưng hình thức này đang thu hút hàng nghìn người, chủ yếu là khách hàng dưới chuẩn, không đáp ứng điều kiện vay của ngân hàng hoặc công ty tài chính.
— Bộ Công an thường nhắc đến những vướng mắc trong việc phòng ngừa, xử lý tín dụng đen. Khi quy định pháp luật chưa thể điều chỉnh cho phù hợp thì những giải pháp gì để ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi?
— Vay mượn tài sản vốn là quan hệ dân sự tự nguyện có sự thỏa thuận giữa hai bên nên khi xảy ra siết nợ, người liên quan mới trình báo. Nhiều người không dám trình báo vì sợ bị xã hội đen trả thù dẫn đến việc thu thập chứng cứ, thu hồi tiền gốc khi vỡ hụi gặp khó khăn.
Trong khi quan điểm xử lý giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án còn chưa thống nhất về cách tính lãi suất, số tiền thu lợi bất chính, việc quyết định các biện pháp ngăn chặn tạm giam để có điều kiện điều tra mở rộng… thì quy định quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan tín dụng đen cũng bộc lộ kẽ hở, còn chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Do đó, ngoài triển khai giải pháp tập trung nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội, Chỉnh phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Về phía ngân hàng, cần đa dạng loại hình cho vay, đảm bảo nguồn vốn và cải cách thủ tục hành chính để người dân có thể tiếp cận khi có nhu cầu.
Còn Bộ Công an sẽ mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen, lên danh sách các đường dây nghi vấn cho vay nặng lãi để có biện pháp phòng ngừa, xử lý triệt để.
— Sửa đổi chế tài xử lý, đấu tranh mạnh với các băng nhóm tội phạm có tổ chức, bơm vốn phục vụ tiêu dùng và huy động tiền nhàn rỗi trong dân liệu có đảm bảo triệt xóa tận gốc tín dụng đen, hay cần thêm yếu tố nào khác?
— Một điều dễ thấy là tiền vay lãi nặng chủ yếu được sử dụng vào các hoạt động phạm pháp như cờ bạc, buôn lậu hoặc tín dụng quay vòng. Ngoài ra, tín dụng đen còn được cấp cho một số hoạt động đầu tư rủi ro mà người đầu tư không đủ điều kiện tiếp cận vốn từ các kênh chính thống.
Do đó, cần một giải pháp đồng bộ từ siết chặt quản lý hoạt động tài chính, cắt nguồn cấp vốn cho tín dụng đen, đảm bảo nhu cầu vay của khách hàng đến đấu tranh với tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm các hành vi khác liên quan đến cho vay nặng lãi nếu muốn triệt đất sống của tín dụng đen.
* Kỳ cuối: Những người tham gia hoạt động tín dụng đen có thể đối mặt mức án nào?