Công ty Aireon có trụ sở tại bang Virginia (Mỹ) tuyên bố vừa hoàn thành mạng lưới giám sát máy bay bằng vệ tinh. Aireon đã phóng 10 vệ tinh thế hệ mới cuối cùng bằng một tên lửa Space Falcon 9, nâng tổng số vệ tinh hoạt động trong mạng lưới theo dõi trong quỹ đạo lên tới 75.
Hệ thống theo dõi máy bay toàn cầu được nâng cấp này dự kiến giải quyết vấn đề từ lâu tồn đọng trong ngành hàng không, khi thi thoảng lại có máy bay mất tích khỏi màn hình radar khi bay qua đại dương, tương tự trường hợp của máy bay MH370.
"70% không phận trên thế giới không có thiết bị gì giám sát. Máy bay bay ngang qua biển và phi công có nhiệm vụ báo cáo vị trí của máy bay về trạm kiểm soát không lưu 10-15 phút một lần. Trong khoảng thời gian đó, không ai biết họ ở đâu", Giám đốc điều hành Aireon Don Thoma trả lời phỏng vấn CBS News.
Thay vì hệ thống radar lắp đặt trên mặt đất giới hạn trong tầm hoạt động khi máy bay ra biển, máy bay có thể phát tín hiệu GPS tới vệ tinh và từ đó vệ tinh truyền dữ liệu về cho trạm kiểm soát không lưu. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đã yêu cầu tất cả các máy bay phải được trang bị công nghệ cần thiết để truyền tải dữ liệu từ năm 2020. Quy định tương tự cũng được áp dụng cho máy bay châu Âu.
Chiếc máy bay thương mại chở 239 hành khách và phi hành đoàn mất tích vào ngày 8/3/2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Một cuộc tìm kiếm trên biển quy mô lớn không mang lại kết quả, mặc dù các mảnh vỡ của chiếc Boeing đã được tìm thấy ngoài khơi quần đảo Madagascar và Australia. Chính phủ Malaysia hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác chuyện gì xảy ra với máy bay.
Sự biến mất bí ẩn của MH370 làm xuất hiện nhiều giả thuyết âm mưu, cho rằng chiếc Boeing đã bị một máy bay của quốc gia thứ ba bắn hạ, hoặc phi công cố tình lái lao thẳng xuống biển nhằm tự sát hoặc bị lệch khỏi đường bay, rơi xuống rừng rậm Campuchia.