Không có quy định nào cho phép
Mới đây, nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân — Cầu Giẽ có văn bản đề xuất xả trạm thu phí trong 3 ngày Tết. Mục đích không thu phí trong 3 ngày trên, theo chủ đầu tư là để cảm ơn khách hàng và để nhân viên công ty được nghỉ Tết.
Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã không đồng ý và yêu cầu trạm BOT Pháp Vân — Cầu Giẽ thu phí 24/24 giờ trong năm.
Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện lý giải: "Theo quy định, phương án tài chính của dự án BOT đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên việc miễn, giảm phí sẽ ảnh hưởng đến thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án".
Ông Huyện cho biết thêm, việc xả trạm để giải tỏa ùn tắc giao thông luôn được Tổng cục ĐBVN yêu cầu các nhà đầu tư, đơn vị khai thác các tuyến đường thực hiện trong các dịp cao điểm, lễ Tết.
Cụ thể, các doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư, đơn vị thu phí phải mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 700m trước khi vào trạm thu phí.
"Nhà đầu tư đề xuất xả trạm BOT dịp Tết Nguyên đán sẽ chỉ được chấp nhận khi bỏ tiền lợi nhuận của doanh nghiệp ra để bù vào những ngày miễn phí cho các phương tiện qua trạm, bù đắp phương án tài chính của dự án", ông Huyện nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay, việc quy định xả trạm thu phí của các dự án BOT giao thông vào dịp lễ, Tết là chính sách lớn thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
"Vấn đề này liên quan đến cơ chế, cần giải pháp dựa trên sự đồng thuận của nhiều bộ ngành chứ không phải chủ đầu tư dự án BOT đề xuất xả trạm là thực hiện ngay được", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, hiện nay, Bộ GTVT đã quy định, nếu ùn tắc quá 700m trước trạm thu phí thì xả trạm. Nếu chủ đầu tư trạm BOT không thực hiện sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Doanh nghiệp vận tải nói gì?
Trước thông tin chủ đầu tư BOT Pháp Vân xin xả trạm 3 ngày Tết, nhiều nhà xe các tỉnh chạy tuyến phía Nam ra Hà Hội tỏ ra vui mừng và ủng hộ đề xuất trên.
Ông Nguyễn Văn Lý, nhà xe Đông Lý chạy tuyến Thanh Hóa — Hà Nội bày tỏ quan điểm "nếu nhà đầu tư xả trạm vì những lý do như đã nêu thì cũng nên ủng hộ. Bản thân các nhà xe cảm thấy rất thoải mái và ủng hộ. Những ngày cận Tết thôi thì khu vực của ngõ này đã ùn tắc rất nghiêm trọng rồi".
Cùng quan điểm, ông Tô Quang Học — Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học có xe chay tuyến Thái Bình — Hà Nội cho biết, việc chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân — Cầu Giẽ đề xuất xả trạm trong 3 ngày Tết Nguyên Đán 2019 là ý kiến hay giúp giảm ùn tắc, kẹt xe kéo dài.
"Vào dịp Tết nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận và ngược lại rất lớn. Do đó, khu vực cửa ngõ thành phố có các trạm thu phí thường xảy ra ùn tắc kéo dài. Điều này ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân.
Tôi mong các chủ đầu tư, Tổng cục ĐBVN, Bộ GTVT xem xét xả trạm để giúp việc đi lại, thông thương nhanh chóng không xảy ra ùn tắc vào những ngày cao điểm", ông Học nói.
Tuy nhiên, theo ông Học, việc xả trạm nên tính toán thời gian sao cho hợp lý vì tình trạng kẹt xe, ùn tắc thường xảy và dịp cận Tết và sau kỳ nghỉ.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên với báo chí, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân — Cầu Giẽ cho biết, công ty ông đề xuất xin dừng thu phí 3 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 để người dân đi lại thoải mái và cán bộ nhân viên được nghỉ.
"Dự án của chúng tôi có thời gian nhất định và việc dừng thu phí sẽ phải kéo dài số ngày đó vào thời gian của dự án. Mỗi năm dừng thu phí 3 ngày Tết, nếu cộng dồn lại cũng kéo dài thêm khoảng trên dưới 1 tháng.
Tuy nhiên, Tổng cục đường bộ không đồng ý thì công ty sẽ thực hiện theo ý kiến của Tổng cục và Bộ GTVT.