Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ trăn trở khi đạo đức xã hội đang có biểu hiện xuống cấp. Ông cho rằng vấn đề này là trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có cá nhân ông và Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện, bởi Bộ này từ xưa vốn được coi là Bộ Lễ.
VnExpress có cuộc trao đổi với PGS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đại biểu tham dự hội nghị và đã có phát biểu về vấn đề nêu trên.
- Ông nhận định thế nào về thực trạng đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay?
— Thực trạng đạo đức xã hội đang xuống cấp là có thật và chúng ta cần phải thừa nhận điều đó. Dẫn chứng tiêu biểu, nếu tra cụm từ "đạo đức xã hội xuống cấp" thì chỉ trong 0,62s đã có 17 triệu kết quả. Con số này là chỉ báo cho thấy tình hình đã rất nghiêm trọng và được nhiều người đề cập trên mạng.
Hàng ngày nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra như thầy cô đánh học sinh, học sinh đánh nhau, đánh lại cả thầy cô; người mẹ sinh con rồi bỏ rơi đâu đó dù xã hội phương Đông đề cao tình mẫu tử; những vụ án giết người chỉ vì một vài lý do nhỏ nhặt đến khó tin…
Đạo đức xuống cấp còn thể hiện ở sự vô cảm ngày càng phổ biến. Người ta thấy điều xấu không lên án, thấy điều tốt không tôn vinh; thậm chí có những người sẵn sàng làm điều xấu, bất thường, đi ngược lại các giá trị đạo đức nhưng lại cho đó là bình thường.
- Nguyên nhân nào khiến đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng như ông đề cập?
— Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Tôi chỉ cắt nghĩa từ góc nhìn văn hoá.
Sau những năm đất nước mở cửa, xã hội Việt Nam đã dần thay đổi và đang ở vào buổi giao thời. Trước đây xã hội được điều tiết bởi những hệ thống giá trị văn hoá truyền thống, giúp con người định hướng cách sống, lao động, học tập, ứng xử… Hiện nay những giá trị đó không còn phù hợp với đời sống hiện đại nhưng chưa mất hẳn. Trong khi những giá trị mới chưa thực sự định hình.
Những tấm gương đạo đức trước kia có tác dụng rất lớn để mọi người noi theo, giờ không còn vị trí nữa. Xã hội rơi vào khủng hoảng giá trị khiến con người mất niềm tin và định hướng. Đó là lý do quan trọng làm cho đạo đức xã hội xuống cấp. Những nghề vốn được xem là cao quý như nghề y, nghề giáo cũng có biểu hiện xuống cấp đạo đức vì lý do này.
Xã hội hiện đại còn bị chi phối bởi đồng tiền và lợi ích vật chất. Đồng tiền vốn vô tri, nhưng việc kích thích lối sống tiêu dùng khiến giá trị của nó vượt qua nhiều giá trị khác trong xã hội. Các giá trị văn hoá, nhân văn bị kinh tế làm lu mờ.
Xu hướng sống cá nhân hoá ngày càng phổ biến khiến nhiều người chỉ vì bản thân mà không nghĩ đến lợi ích cộng đồng; thậm chí vì bất chấp lợi ích cộng đồng nên người ta sẵn sàng chế biến đồ ăn từ gia súc, gia cầm bị bệnh; dùng chất tăng trưởng, thuốc trừ sâu quá mức cho phép…
Nhận thấy rõ những nguy cơ này, Nhà nước đã nhiều lần xác định cần xây dựng hệ giá trị văn hoá Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Một số giá trị được đưa ra song không ít người còn lo ngại liệu có đáp ứng được đòi hỏi của xã hội hay không.
- Tình trạng quan chức hư hỏng, sai phạm cũng gây tác động xấu và làm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Ông nghĩ sao về điều này?
— Theo tôi, tình trạng một bộ phận cán bộ, quan chức không gương mẫu, tham nhũng, hành dân là vấn nạn nhức nhối nhất hiện nay. Người xưa có câu "thượng bất chính, hạ tắc loạn". Nếu giải quyết được vấn đề này thì bức tranh đạo đức xã hội sẽ sáng hơn.
- Để giải quyết vấn đề này cần những giải pháp nào, thưa ông?
— Rất nhiều việc cần làm, trong đó phải kể đến đầu tiên trách nhiệm nêu gương của quan chức, nhất là những người ở vị trí cấp cao. Đã có nhiều vụ tham nhũng lớn được xét xử, nhưng tham nhũng vặt khiến người dân khổ sở hàng ngày cũng cần được xử lý nghiêm.
Tiếp cận từ góc độ văn hóa, tôi cho rằng cần xây dựng những hệ giá trị hướng con người đến chân, thiện, mỹ; thông qua văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc… để truyền đi thông điệp sống đẹp đến công chúng. Bởi nghệ thuật là cách dễ đi vào lòng người nhất. Nếu có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, thu hút sự quan tâm của công chúng thì tác dụng lan toả hơn rất nhiều những lời hiệu triệu trên bục phát biểu.
Mỗi ngành nghề, lĩnh vực cần có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp để tạo tác động tích cực trong từng nhóm nhỏ, rồi từ đó lan tỏa ra toàn xã hội.
- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo ngành văn hóa cần theo dõi thông tin trên mạng xã hội và định kỳ phát ngôn về những vấn đề dư luận quan tâm. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào?
— Viện văn hóa nghệ thuộc quốc gia đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt để trình lãnh đạo Bộ xem xét trong tuần này. Không phải đến giờ chúng tôi mới nói đến việc đó mà trong nhiều phong trào vận động văn hoá trước đây đã đề cập. Tuy nhiên cách làm còn nặng hình thức, chưa bài bản; lần này chúng tôi mong muốn đi vào thực chất hơn.
Tôi cũng nghĩ rằng Bộ Văn hoá phải là nơi phát ngôn phân tích rõ tốt, xấu trong những câu chuyện được dư luận quan tâm để tránh xảy ra hỗn loạn thông tin. Theo đó, việc theo dõi thông tin trên mạng xã hội để có phát ngôn định kỳ là hoàn toàn khả thi.
Ngày 19/1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành văn hoá năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến việc thời gian qua xảy ra nhiều chuyện liên quan đến văn hoá nhưng hiếm khi thấy ai đó trong ngành lên tiếng phân tích rõ xấu, tốt. Ông chỉ đạo thời gian tới, Bộ và Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia phải theo dõi thông tin trên mạng xã hội để có phát ngôn chính thức về những vấn đề dư luận quan tâm.